Viện Tài nguyên thế giới (WRI) của Mỹ ước tính các đám cháy rừng lan rộng tại Indonesia đang làm gia tăng mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiều hơn lượng khí thải từ các hoạt động kinh tế của Mỹ nếu tính trung bình mỗi ngày.
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 21/10, WRI - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ chuyên về các vấn đề môi trường và phát triển - cho biết trong 44 ngày (kể từ đầu tháng 9), có 26 ngày lượng khí CO2 do cháy rừng thải ra bầu khí quyển của Indonesia đã vượt mức phát thải trung bình mỗi ngày của Mỹ.
Nền kinh tế số 1 thế giới hiện là nguồn phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc, trong khi WRI thường xếp Indonesia ở vị trí thứ 5.
Sử dụng số liệu từ Cơ sở Dữ liệu toàn cầu về khí thải do cháy rừng để lập báo cáo, WRI kết luận các đám cháy than bùn “góp” một lượng khí nhà kính đáng kể vì những khu vực này tích lũy lượng CO2 cao nhất trên Trái Đất qua hàng nghìn năm. Theo WRI, việc rút cạn nước và đốt rừng trên những vùng đất này để canh tác, như chuyển đổi sang trồng cây cọ dầu, dẫn đến việc khí thải nhà kính tăng cao.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Indonesia đang nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng với sự hỗ trợ của nhiều nước láng giềng với các phương tiện dập lửa hiện đại.
Gần 2 tháng qua, hàng nghìn vụ cháy rừng ở Indonesia do con người đã gây ra hiện tượng khói mù trong khu vực Đông Nam Á, làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp, buộc nhiều trường học đóng cửa và nhiều chuyến bay cũng như các sự kiện quốc tế bị hủy bỏ. Thảm họa trầm trọng thêm bởi mùa khô năm nay kéo dài và hiện tượng El Nino. Theo Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế Indonesia, số liệu về khí hậu học cho thấy mùa mưa năm nay tại Indonesia có thể đến muộn nên cháy rừng kéo dài đến cuối năm./.