Lưu ý doanh nghiệp các quy định khi xuất khẩu ớt vào thị trường Đài Loan

Sau khi nhận thông báo từ Đài Loan, SPS Việt Nam có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan triển khai phổ biến, thực hiện yêu cầu của phía bạn, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu ớt.

Trong nhóm hàng rau củ xuất khẩu, ớt là mặt hàng quan trọng nhất, chiếm 25,9% về giá trị, vượt xa so với các mặt hàng cùng nhóm như khoai lang, súp lơ... (Ảnh: Vietnam+)
Trong nhóm hàng rau củ xuất khẩu, ớt là mặt hàng quan trọng nhất, chiếm 25,9% về giá trị, vượt xa so với các mặt hàng cùng nhóm như khoai lang, súp lơ... (Ảnh: Vietnam+)

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết Văn phòng SPS Việt Nam vừa nhận được thông báo số G/SPS/N/TPKM/625 của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc) công bố áp dụng quy định cho hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC.

Cụ thể, hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC 0904.22.00.00-1 (quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 0904.21.90.00-3 (các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan. Báo cáo thử nghiệm gồm Sudan I-IV kèm theo ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm...

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc), thuốc nhuộm Sudan được phát hiện trong nhiều lô bột ớt nhập khẩu tại khâu kiểm tra biên giới hoặc kiểm tra tại điểm bán hàng từ năm 2023 đến năm 2024 có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Sau khi nhận thông báo G/SPS/N/TPKM/625 từ Đài Loan, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương; Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam triển khai phổ biến, thực hiện yêu cầu của phía bạn, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.

ttxvn_trong ot.jpg
Người dân thôn Nà Pất, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng thu hoạch ớt tươi. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Kể từ cuối tháng Hai đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) đã ra các lệnh hạn chế dừng kiểm hóa thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng ớt và sản phẩm từ ớt đối với 21 doanh nghiệp Trung Quốc, 1 doanh nghiệp xuất khẩu ớt Việt Nam vào Đài Loan, 1 doanh nghiệp Thái Lan và 1 doanh nghiệp Mexico.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, ớt Việt Nam xuất khẩu đạt 72 triệu USD, tăng 34,5% so với năm trước đó. Trong nhóm hàng rau củ xuất khẩu, ớt là mặt hàng quan trọng nhất, chiếm 25,9% về giá trị, vượt xa so với các mặt hàng cùng nhóm như khoai lang, súp lơ...

Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng Ba vừa qua, Việt Nam xuất khẩu được 3.141 tấn ớt với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 17,6%, kim ngạch tăng 52,8%.

Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính đạt 2.753 tấn và 259 tấn, chiếm 95,9% tổng lượng xuất khẩu.

Ớt được trồng nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Với tổng diện tích trên 7.000ha, ớt cho sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm.

Ngoài ra, ớt còn được trồng tại Tây Nguyên với diện tích trồng từ 4.000-5.000ha, với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục