Bài viết mới đây của nhà báo Primrose Riordan đăng trên báo The Autralian đề cập đến việc Australia và New Zealand thúc đẩy thỏa thuận an ninh mới có tên gọi "Biketawa Plus" với các quốc đảo ở Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày một tăng của các nước bên ngoài vào khu vực. Nội dung như sau:
Các quan chức Australia và New Zealand đã sẵn sàng tiến tới ký kết một thỏa thuận an ninh trên diện rộng với các quốc đảo Thái Bình Dương, mà theo các nhà phân tích là nhằm hạn chế sự can dự quân sự của các nước bên ngoài (như Nga và Trung Quốc) vào khu vực này.
[Tham vấn bốn bên Australia-Ấn Độ-Nhật-Mỹ về hợp tác khu vực]
Thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố Biketawa được các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương thống nhất vào năm 2000 sau cuộc đảo chính ở Fiji và căng thẳng ở quần đảo Solomon.
Thỏa thuận sẽ bao gồm các lĩnh vực quốc phòng, luật pháp và trật tự, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, bảo đảm an ninh môi trường và khả năng phục hồi biến đổi khí hậu.
Trong đó, đứng đầu là một số thỏa thuận an ninh mà Australia đã và đang có với từng quốc gia Thái Bình Dương. Sau cuộc gặp các quan chức cấp cao thuộc các quốc gia liên quan vào tháng 6, thỏa thuận mới dự kiến sẽ được ký kết tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương vào tháng 9 tới.
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Australia Concetta Fierravanti-Wells cho biết trong quá trình tham vấn, Australia đóng góp quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực như quốc phòng, cảnh sát, hợp tác giữ gìn trật tự và luật pháp.
Phát biểu với The Australian, bà Concetta Fierravanti-Wells nói: "Tuyên bố an ninh khu vực mới Biketawa Plus định hướng cho các thành viên của Diễn đàn các nước quần đảo Thái Bình Dương ưu tiên hợp tác an ninh, đồng thời đưa ra khuôn khổ giúp ứng phó với các mối đe dọa mới nổi."
Động thái này xuất phát từ việc Australia muốn thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương trước sự gia tăng ảnh hưởng, hỗ trợ và tài chính cũng như cảnh báo về sự hiện diện chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực vốn đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực.
Mới đây, Chính phủ Turnbull đã thông qua dự luật chống can thiệp nước ngoài, tạo hành lang pháp lý ngăn chặn các nước bên ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử và các quyết định chính trị. Trong tháng 6 vừa qua, ông Malcolm Turnbull đã đàm phán với Vanuatu về một thỏa thuận an ninh mới sau khi rộ thông tin rằng Trung Quốc đã thảo luận với nước này về việc thiết lập một căn cứ quân sự.
Cũng trong thời gian này, Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne đã thảo luận các vấn đề quân sự với Tonga và quần đảo Solomon.
Trước đó, Australia đã ký các hiệp ước an ninh song phương với quần đảo Solomon, Tuvalu và Nauru; tổ chức cuộc diễn tập quân sự Endeavour Ấn Độ-Thái Bình Dương năm 2018 bao gồm huấn luyện quốc phòng và an ninh với các lực lượng ở Vanuatu, Fiji, Tonga, Samoa, Papua New Guinea và quần đảo Solomon; quân đội Australia đang nghiên cứu hỗ trợ lực lượng cơ động Vanuatu.
Cùng với việc tăng cường viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương trong ngân sách công bố hồi tháng 5 vừa qua, chính phủ Turnbull mới đây đã đồng ý xây dựng một mạng cáp quang dưới biển dài 4.000km, trị giá 136 triệu AUD, kết nối PNG-Solomons-Australia nhằm ngăn chặn công ty Huawei của Trung Quốc tham gia lĩnh vực này.
Bộ Ngoại giao Australia cũng đã xác nhận thông tin nói rằng Thủ tướng Malcolm Turnbull dự kiến sẽ cùng các nhà lãnh đạo thành viên khác của Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương ký kết văn kiện này.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Australia cho biết: "Ban thư ký Diễn đàn đang xem xét quá trình thông qua tuyên bố Biketawa Plus. Văn bản cuối cùng dự kiến sẽ hoàn tất để trình các nhà lãnh đạo ký kết tại cuộc họp vào tháng 9 tới.”
Greg Colton, từng là chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Lowy, trong một bài viết hồi tháng 4 vừa qua cho rằng: "Bảo vệ lợi ích an ninh của Australia thông qua quan hệ chặt chẽ hơn với Thái Bình Dương, Biketawa Plus nên được sử dụng để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, thỏa thuận mới nên tìm cách hạn chế sự tham gia quân sự của các nước bên ngoài khu vực không tham gia thỏa thuận và không phải là thành viên của ‘Gia đình Thái Bình Dương." Điều này ít nhất sẽ gây khó khăn cho các quốc gia bên ngoài khu vực, như Trung Quốc hay Nga, sử dụng các phương tiện quân sự trong khu vực.
Australia, New Zealand và Pháp vẫn là quân đội lớn nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, Australia cũng có một chương trình hợp tác quốc phòng tại khu vực này. Theo Sách Trắng Đối ngoại, Australia cam kết thành lập Học viện An ninh Australia-Thái Bình Dương nhằm “đào tạo an ninh và thực thi pháp luật ở cấp lãnh đạo” ở Thái Bình Dương.
Ngoài ra, một báo cáo của quốc hội cho biết cam kết này của chính phủ Malcolm Turnbull “có thể phản ánh mong muốn mới của Australia làm việc với các quốc đảo Thái Bình Dương, đảm bảo các giá trị như luật pháp và minh bạch được củng cố trước sự xuất hiện của các nhân tố mới.”
Báo cáo này cũng cảnh báo rằng trong khi Australia “vẫn là đối tác luật pháp và pháp lý hàng đầu ở Thái Bình Dương,” các mối quan hệ chính sách khu vực của Trung Quốc đã “tiến xa hơn,” mở rộng ở một số nước công nhận Trung Quốc và trên nhiều lĩnh vực khác nhau./.