The Diplomat cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt đáng kể trong năm 2021, và lý do chính nằm ở sự thất bại trong chính sách của Donald Trump.
Tác giả bài viết, Giáo sư Dingding Chen, chuyên nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế tại Đại học Tế Nam, Trung Quốc, nhận định: “Chính sách đàn áp Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đem lại hiệu quả trong khi những mâu thuẫn về cấu trúc giữa Bắc Kinh và Washington chưa đạt tới điểm bùng nổ thật sự."
Gần đây, việc chính quyền Tổng thống Trump phát động một loạt các cuộc tấn công toàn diện, cùng các biện pháp trừng phạt và chính sách ngăn chặn nhằm vào Trung Quốc đã khiến nhiều nhà bình luận rất bi quan về xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương. Đa số các ý kiến đều nhận định “chiến tranh lạnh” Mỹ-Trung sẽ sớm diễn ra trong bối cảnh này.
Theo ông Chen, người đồng thời cũng là nhà nghiên cứu cộng tác với Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPi) tại Berlin, Đức, những lo ngại trên không phải là không có lý, song nhiều người đã bỏ qua các mô hình phát triển trong mối quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là động lực cân bằng trong bối cảnh những biến động lịch sử lớn. Và do đó rất có thể người ta đã đánh giá sai về các tác động cũng như tiềm năng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giáo sư Dingding Chen nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện trong năm tới vì nhiều lý do. Kể từ năm 2018, chính sách ngăn chặn Trung Quốc mà Chính quyền Trump đưa ra gồm ba chiến lược mũi nhọn là chiến tranh thương mại, phong tỏa công nghệ và tấn công ý thức hệ, đã không đạt được kết quả đáng kể. Đặc biệt, chiến tranh thương mại chưa tạo ra bất kỳ tác động đáng chú ý nào đối với nền kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề kinh tế của Trung Quốc chủ yếu là do mâu thuẫn giữa cung và cầu trong nước, bong bóng tài chính và chu kỳ kinh tế thiếu ổn định.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,6% trong năm 2018 và 6,1% vào năm 2019, cao hơn so với mục tiêu cơ bản là duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6%. Những khó khăn kinh tế gần đây của quốc gia này chủ yếu là vì hậu quả của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), dẫn đến sụt giảm nhu cầu của thị trường toàn cầu. Điều này cho thấy cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động thực tế chỉ có những tác động hạn chế đến nền kinh tế Trung Quốc.
[Dịch COVID-19 làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc]
Tiềm lực giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không có nhiều cách biệt, nhất là xét ở phương diện kinh tế. Do đó, việc Mỹ phát động chiến tranh với Trung Quốc hoặc bắt đầu một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với quốc gia châu Á này đều là những điều không thực tế.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump chỉ có thể cố gắng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai bằng các lệnh trừng phạt và đàn áp thương mại đối với các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu Trung Quốc, cũng như các cuộc tấn công chính trị liên quan đến vấn đề Hong Kong và Đài Loan.
Tuy nhiên, tại thời điểm mà khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng thu hẹp, không một cuộc chiến nào, từ chiến tranh thương mại, khoa học và công nghệ cho tới đối đầu về ý thức hệ, có thể đem lại kết quả thực sự.
Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những đàn áp của Mỹ cũng không khiến tăng trưởng kinh tế của Trung quốc chậm lại. Do đó, chính sách kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Trump không thể thực sự kìm hãm Bắc Kinh phát triển hơn nữa sức mạnh quốc gia, và chắc chắn những nỗ lực ấy sẽ đi tới chỗ thất bại.
Hơn thế nữa, Mỹ cũng đang gánh chịu những hậu quả nặng nề của dịch COVID-19. Hơn 100.000 người Mỹ đã tử vong, trong nền kinh tế lao đao vì ảnh hưởng dịch bệnh, Mỹ rõ ràng càng khó có thể đưa ra các chính sách đàn áp quy mô lớn chống lại Trung Quốc trong ngắn hạn.
Sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận “Giai đoạn 1” về giải quyết tranh chấp thương mại vào tháng 12/2019, Tổng thống Trump sẽ rất khó để “vi phạm” thỏa thuận này và kích động vòng hai cuộc chiến thương mại. Những tính toán này có thể sẽ càng đẩy những người nông dân Mỹ và các công ty đa quốc gia, những người vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, càng ở vào tình thế nguy hiểm hơn nữa.
Với thị trường nội địa rộng lớn và được kiểm soát chặt chẽ, có thể nói những đàn áp kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc không thể thực sự làm tổn thương đến huyết mạch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những biện pháp này chỉ có thể tác động mạnh đến các ngành xuất-nhập khẩu của Trung Quốc và một số ngành công nghiệp liên quan chặt chẽ đến nền kinh tế Mỹ. Nhiều người tin rằng sau thất bại của chính sách đàn áp trong nhiệm kỳ đầu tiên, nếu tái đắc cử, Donald Trump sẽ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2021.
Xét tổng thể, khoảng cách sức mạnh Mỹ-Trung tuy không lớn, nhưng chưa thể đạt tới điểm cân bằng. Về quy mô kinh tế, sức mạnh công nghệ, tình hình tài chính và sức mạnh quân sự, trong ngắn hạn Trung Quốc có lẽ vẫn còn thua xa Mỹ. Trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là phát triển mạng viễn thông 5G, Mỹ sẽ tăng cường đàn áp các doanh nghiệp công nghệ cao và các viện nghiên cứu Trung Quốc, cùng với đó, cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung sẽ ngày càng leo thang.
Nhìn chung, Tổng thống Trump sẽ tìm cách điều chỉnh cấu trúc chính sách Trung Quốc để tập trung trước hết vào việc phục hồi sau đại dịch.
Giáo sư Dingding Chen nhấn mạnh kết quả sẽ là quan hệ Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn, và vì vậy, dù cơ hội Trump tái đắc cử hiện được cho là không nhiều, song cũng đủ để người ta kỳ vọng vào những cải thiện nhất định cho mối quan hệ song phương vốn luôn gập ghềnh này trong năm tới./.