Theo trang mạng asiatimes.com, trong hàng thập kỷ qua, Bắc Phi vẫn luôn nằm ở vị trí thứ yếu trong các mối quan tâm của Mỹ về chính sách đối với khu vực Trung Đông.
Bắc Phi không đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine, cũng không phải là một "người chơi" lớn trong những thách thức an ninh tại khu vực vịnh Persia.
Các nước Bắc Phi, từ Maroc đến Libya (trừ Ai Cập), thường được xếp sau trong các chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc ngày càng đóng vai trò chủ động và tích cực hơn trong khu vực, điều cấp thiết đối với Mỹ lúc này là phải xem xét lại các mối quan tâm chính sách của mình.
Đây là kết luận của báo cáo do Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) và Viện Hòa bình của Mỹ (USIP) phối hợp thực hiện và công bố gần đây. Các nghiên cứu này sẽ giúp định hình chính sách chính thức và cung cấp cách tiếp cận hữu hiệu cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trên thực tế, khu vực Maghreb (thường được dùng để đề cập đến các quốc gia Maroc, Algeria, Tunisia và Libya) là mô hình thu nhỏ của các vấn đề của khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải rộng lớn, từ những thất bại trong quản trị, những áp lực kinh tế, chủ nghĩa cực đoan trong nước và du nhập, và cuối cùng là vấn đề di cư bất hợp pháp.
[Chuyên gia nhận định về chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ]
Khu vực này cũng cung cấp thực tiễn phong phú để nghiên cứu các hệ thống chính trị Arập, với một chế độ quân chủ đang hiện đại hóa (Maroc), hai nhà nước giàu tài nguyên dầu mỏ (Libya đang trong tình trạng hỗn loạn và Algeria dưới một chế độ độc tài) và Tunisia, quốc gia duy nhất đạt tới ngưỡng cửa “tự do” theo tiêu chuẩn toàn cầu về dân chủ sau làn sóng “Mùa Xuân Arab.”
Nghiên cứu trong báo cáo trên chỉ ra sự cạnh tranh thu hút mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các chính quyền nối tiếp của Mỹ phát tín hiệu về ý định giảm sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và thay vào đó tập trung vào khu vực châu Á.
Các tác giả báo cáo đã cẩn thận xây dựng cách tiếp cận chính sách dựa trên thế giới quan của chính quyền Biden. Họ cũng không kỳ vọng một cách phi thực tế về khả năng khu vực này sẽ trở thành một ưu tiên mới của Washington.
Thay vào đó, họ đề xuất cùng hợp tác với các đồng minh và các tổ chức quốc tế, chứ không phải một chiến lược do Mỹ lãnh đạo hoặc chỉ của riêng Mỹ.
Trong lịch sử, Bắc Phi đã thu hút đáng kể sự quan tâm của Mỹ, từ khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Maroc năm 1786, tham gia cuộc chiến chống cướp biển ven bờ Barbary (hiện là Libya) trong những năm 1801-1805 đến vai trò quan trọng của Bắc Phi trong Chiến tranh Thế giới II cũng như các căn cứ ở Maroc, Tunisia và Libya thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, khi mối quan tâm của Mỹ đối với thế giới Arab chuyển trọng tâm về khu vực vùng Vịnh hoặc về tiến trình hòa bình giữa Israel và các nước Arập, Bắc Phi nhận thấy mối quan tâm và lợi ích của Mỹ ở khu vực này đã suy giảm.
Các khoản viện trợ của Mỹ ngày càng eo hẹp đến mức phần lớn người dân Tunisia và Maroc không chú ý tới các chương trình viện trợ èo uột của Washington nhằm thúc đẩy quản trị tốt và tái thiết kinh tế cho các nước này.
Và mặc dù Maroc chấp nhận thỏa thuận mang tính mặc cả với chính quyền ông Donald Trump về việc nước này bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy việc Mỹ công nhận chủ quyền của Maroc đối với Tây Sahara, song chính quyền Maroc giờ cảm thấy đau đớn khi Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden không chấp nhận cuộc mặc cả nói trên về vấn đề Tây Sahara.
Thay vào đó, chính quyền ông Biden đang xem xét lại hồ sơ theo hướng không đảo ngược những gì đã đạt được, cũng như không làm cho thỏa thuận đạt được dưới thời ông Trump có hiệu lực trở lại.
Các tác giả của nghiên cứu là Sarah Yerkes và Thomas Hill đã phân tích về cách Mỹ có thể can dự ổn định và đáng kể hơn tại khu vực, không chỉ dựa trên các cam kết trong quá khứ hay dựa trên các giá trị lâu dài của việc thúc đẩy ổn định bằng cách cải thiện khả năng quản trị của các chính phủ, mà dựa trên lập luận rất đương đại rằng Nga và Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy các khoảng trống mà Mỹ (hoặc châu Âu) để lại.
Theo quan điểm của họ, Nga đã vạch ra một chiến lược an ninh, trong đó Libya là trọng tâm, còn Trung Quốc đã dùng Sáng kiến “Vành đai Con đường” để lôi kéo các quốc gia Bắc Phi tham gia những hiệp định kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Algeria và Ai Cập.
Hai tác giả Yerkes và Hill cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực với mục đích riêng để tối ưu các khoản đầu tư kinh tế của mình.
Trong hàng thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thúc đẩy hội nhập kinh tế để tối đa hóa đòn bẩy thương mại của khu vực này với châu Âu, Mỹ và các thị trường khác.
Việc thiết lập những cách tiếp cận hiệu quả hơn cho hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu, hay kết nối giao thông và hệ thống truyền tải điện, sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng, giới tinh hoa của Maghreb vẫn luôn thất bại trong việc hiện thực hóa những ủng hộ khoa trương cho quá trình hội nhập này. Sự thật đau lòng là việc thiếu vắng niềm tin và văn hóa chính trị rất bất đồng đã khiến khu vực này không nhận ra được tiềm năng các nguồn tài nguyên và nhân lực của mình.
Sẽ là kết cục đáng buồn nếu phương Tây giảm thiểu tầm ảnh hưởng đối với khu vực để rồi Trung Quốc “lấp chỗ trống” và thành công hơn Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực.
Để tránh "cái bẫy" đặt ra do việc đề cao quá mức trong ưu tiên chính sách của mình, các tác giả coi việc tập trung hợp tác thông qua các cơ chế đa phương là ưu tiên hàng đầu, đồng thời thực hiện các chính sách hợp tác song phương khi cần thiết.
Điều này cũng phù hợp với mong muốn của chính quyền Biden trong nỗ lực đóng vai trò dẫn dắt trên mặt trận ngoại giao cũng như sử dụng hợp tác quốc tế và các thể chế toàn cầu để giải quyết các vấn đề của thế giới.
Đối với những thách thức khó khăn tại Bắc Phi, điều này có nghĩa là Mỹ cần phối hợp chặt chẽ với EU hoặc với các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực châu Phi hay các tổ chức khu vực Arab cũng như các tổ chức phi chính phủ quốc tế quan trọng đang tích cực thực hiện các chương trình phát triển, dân chủ và nhân đạo ở khu vực này.
Việc huy động các nguồn lực tài chính và giảm thiểu các nỗ lực trùng lặp sẽ là một chiến lược thông minh đối với các chương trình dân sự nhằm mục đích đẩy mạnh quản trị tốt, chống tham nhũng, giải quyết thất nghiệp ở thanh niên và những thách thức dai dẳng khác.
Mỹ và EU chắc chắn có thể cải thiện sự phối hợp trong các nỗ lực cùng chí hướng và đó sẽ là một minh chứng tích cực cho phương thức hoạt động mà chính quyền Biden mong muốn.
Đối với các thách thức an ninh, từ quản lý biên giới, ngăn chặn di cư bất hợp pháp tới cuộc chiến chống các nhóm cực đoan cấp tiến gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chiến lược chuyển sang mô hình hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình triển khai.
Báo cáo của Quỹ Carnegie (USIP) cho rằng cần trao thêm quyền lực cho Liên hợp quốc để giải quyết xung đột khu vực. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả khi các bên bảo trợ cho những phe tham gia xung đột có các mục đích rất khác biệt.
Trong nỗ lực giải quyết chủ nghĩa cực đoan trong nước, các chương trình cải cách tư pháp và xây dựng năng lực trên cơ sở hợp tác song phương đã không phát huy hiệu quả trong việc làm thay đổi và dịu bớt tình hình như người Pháp đã rút ra bài học tại các nước vùng Sahel.
Thực tế, Maroc và Algeria nói riêng đã thành công hơn trong việc đối phó với các thế lực cực đoan ở trong nước, dù trả giá bằng các quyền tự do dân sự. Hai quốc gia này có thể là động lực cho hợp tác lớn hơn trong nhiều vấn đề tại khu vực, nhưng di sản từ những ngờ vực chính trị vẫn cản trở sự tiến bộ này.
Đảm bảo Bắc Phi không bất ổn không chỉ là nhiệm vụ của Mỹ hay châu Âu. Đó là trách nhiệm của các nước Bắc Phi. Mỗi nước cần tự cải thiện quản trị trong nước và nâng cao vị thế địa chính trị của mình như là cầu nối giữa châu Âu và châu Phi.
Mỹ có thể sẽ không đóng vai trò quan trọng, nhưng có thể dùng ảnh hưởng ngoại giao của mình để định hình sự phát triển của khu vực và để ngăn chặn các cường quốc xét lại - đó là Nga và Trung Quốc - trong việc áp đặt các chính sách theo những cách sẽ cản trở con đường tiến tới những cải cách chính trị và kinh tế lớn hơn./.