Lý do chủ nghĩa dân túy có thể phát triển trong thập kỷ 2020

Với việc một nhiệm kỳ thứ hai cho Tổng thống Trump có thể sẽ tạo nguồn cảm hứng mới và sự tự tin cho người dân túy trên khắp thế giới đưa xu hướng này thành trào lưu trong năm 2020.
Lý do chủ nghĩa dân túy có thể phát triển trong thập kỷ 2020 ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, ngày 1/1/2020, vị Tổng thống gây tranh cãi của Brazil Jair Bolsonaro đã ăn mừng kỷ niệm 1 năm ngày ông lên lãnh đạo nền dân chủ đông dân nhất và cũng là nền kinh tế quan trọng nhất khu vực Nam Mỹ này.

Việc Bolsonaro bất ngờ lên cầm quyền là điển hình cho sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy trong thập kỷ 2010, với một nghiên cứu chỉ ra một thực tế đáng kinh ngạc là có tới 2 tỷ dân trên thế giới đang chịu sự điều hành của các nhà lãnh đạo dân túy, và tình hình này có thể kéo theo những tác động quan trọng không chỉ đối với các vấn đề chính trị mà cả kinh tế.

Trong khi những nhân vật dân túy bảo thủ nổi tiếng như Bolsonaro và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thống trị các trang tin tức trong những năm qua, thì một nghiên cứu tương tự cũng cho thấy sự phát triển của chủ nghĩa dân túy đang là một hiện tượng lớn hơn và đa dạng hơn nhiều.

Sự đảo lộn trật tự thế giới được nêu bật bởi Cơ sở Dư liệu Dân túy Toàn cầu, cơ quan giám sát sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trong hai thập kỷ qua bằng cách phân tích những bài phát biểu của các vị lãnh đạo quan trọng tại 40 quốc gia.

Nghiên cứu của cơ quan này phát hiện ra rằng 20 năm trước, các lãnh đạo dân túy chỉ điều hành một nhóm nhỏ các nước với dân số khoảng hơn 20 triệu người, bao gồm Italy, Argentina, và Venezuela.

“Câu lạc bộ dân túy” tương đối nhỏ trước đây nay đang phát triển chóng mặt, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Sự gia tăng đáng kể các lãnh đạo dân túy đặc biệt ấn tượng trong những năm gần đây, với sự đắc cử của không chỉ ở hai Tổng thống Bolsonaro và Trump, mà còn nhiều nhân vật khác từ châu Mỹ cho đến châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm lãnh đạo Ấn Độ Narendra Modi, với đảng Nhân dân Ấn Độ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Hindu đã giành được một chiến thắng vang dội để tái đắc cử vào năm ngoái tại nền dân chủ đông dân nhất thế giới này.

[Bốn lý do khiến Donald Trump có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ]

Dĩ nhiên, vẫn có một số hạn chế trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, với một số lượng lớn các nước có ảnh hưởng như Canada, Pháp, Đức không bao giờ có một chính phủ cầm quyền sử dụng những giọng điệu dân túy.

Thế nhưng, ngay cả trong những nước này, sự chia sẻ lá phiếu cho các đảng chính trị dân túy cũng đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1998.

Mặc dù vậy, phong trào dân túy không phải là chưa từng nổi lên trong lịch sử. Làn sóng mới nhất này chỉ là một trong vài đợt sóng nổi lên trong những thế kỷ gần đây. Trong quá khứ, chủ nghĩa dân túy từng là một hiện tượng diễn ra định kỳ ở một số nước, kể cả Mỹ.

Andrew Jackson, một nghị sỹ đảng Dân chủ từng làm tổng thống Mỹ từ năm 1829 đến 1837, đã bị đặt tên là “King Mob” vì giọng điệu dân túy của mình. Bất chấp sự khác biệt vể đảng phái, ông Jackson thường khiến người ta phải đưa để so sánh với Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa, và điều này hoàn toàn có lý.

Giống như Jackson, ông Trump cũng là một người khởi nghĩa, đã nhắm vào sự bức xúc của người dân đối với thể chế chính trị, đặc biệt là vào các cử tri thuộc tầng lớp lao động với sự bất mãn về hàng loạt vấn đề, bao gồm sự gia tăng đáng kể trong sự bất cân bằng về thu nhập.

Trong các thập kỷ trước 2016, sự bất công này chỉ giới hạn trong những hệ quả chính trị. Lịch sử Mỹ cho thấy sự khác biệt về thu nhập và địa vị xã hội là những nguồn gốc tiềm tàng của sự thay đổi chính trị có thể được các chính trị gia tập hợp để phát huy tác dụng trong đảng của mình hoặc ở bên ngoài.

Hiện nay, Tổng thống Trump đã tiếp sinh lực cho các nhóm đã bị mất thu nhập và sự đảm bảo việc làm, chủ yếu là các lao động nam da trắng không có tay nghề hoặc không lành nghề làm việc trong ngành chế tạo.

Mặc dù làn sóng dân túy này không phải duy nhất, song nó đã phủ một cái bóng lớn hơn bao giờ hết, chủ yếu bị kích động bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và được lan rộng nhờ những công nghệ mới như là mạng xã hội.

Ước tính của Cơ sở Dữ liệu Dân túy Toàn cầu cho rằng hiện nay có 2 tỷ người dân đang bị điều hành bởi các lãnh đạo dân túy thể hiện một sự gia tăng chóng mặt từ con số 120 triệu người khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, trong đó nghiên cứu chỉ rõ các lãnh đạo từ Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho đến Modi là những người thuộc về phe dân túy.

Một phát hiện quan trọng khác là các hình thái và đặc thù của chủ nghĩa dân túy trên thế giới cũng rất khác nhau. Ví dụ, nghiên cứu chỉ ra rằng chủ nghĩa dân túy Nam Mỹ có thiên hướng chủ nghĩa xã hội (mặc dù Bolsonaro không theo xu hướng này), còn các nhà dân túy ở châu Âu thường nghiêng về phía cánh hữu hoặc tả, dù có một số trường hợp ngoại lệ như là sự trỗi dậy của liên minh cánh tả Syriza ở Hy Lạp.

Hướng tới tương lai, một câu hỏi mấu chốt là liệu làn sóng dân túy sẽ mạnh lên hay yếu đi, đặc biệt là nếu nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng bền vững trong suốt thập niên 2020?

Mặc dù câu trả lời chưa rõ, song những người phản đối chủ nghĩa dân túy đã chỉ ra rằng hồ sơ thường xuyên yếu kém của những nhân vật dân túy cầm quyền là một dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên dân túy hiện nay sẽ không trụ được lâu.

Chẳng hạn, Bolsonaro và Trump đang phải hứng chịu những tỉ lệ tín nhiệm thấp trong các cuộc thăm dò dư luận một phần do các sự cố và thất bại của họ trong việc thực hiện những lời hứa về các chính sách của mình.

Tuy nhiên, vẫn có một khả năng lớn là cả hai có thể tái đắc cử trong thập kỷ 2020, hưởng lợi từ sự trung thành của một nền tảng ủng hộ cốt lõi, khả năng một nền kinh tế khỏe mạnh sẽ hỗ trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ, và những chia rẽ trong phe đối lập chính trị.

Hơn một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, làn sóng dân túy của thế kỷ 21 này hiện vẫn chưa lên đến đỉnh điểm. Một lời chỉ dẫn đúng đắn về hướng đi của nó trong thập kỷ 2020 sẽ được thể hiện rõ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 tới, với việc một nhiệm kỳ thứ hai cho ông Trump có thể sẽ tạo ra nguồn cảm hứng mới và sự tự tin cho những người dân túy trên khắp thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.