Lý do Mỹ cần khởi động đàm phán vũ khí hạt nhân với Nga ngay lúc này

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rõ rằng Washington cần nhất trí gia hạn START mới trước khi Nga nhất trí đưa những hệ thống vũ khí mới của Nga vào các cuộc đàm phán tương lai.
Lý do Mỹ cần khởi động đàm phán vũ khí hạt nhân với Nga ngay lúc này ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo (phải) tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 10/12/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Hill dẫn nguồn tin từ AP của Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã thảo luận những vấn đề về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc thảo luận này, Ngoại trưởng Lavrov đã bày tỏ mong muốn gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat mới và tàu lượn siêu thanh Avangard của Nga có thể được tính là những hệ thống vũ khí hạt nhân thuộc START mới giống như các hệ thống vũ khí hạt nhân khác của Nga vốn có trong hiệp ước này.

[5 cường quốc cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân]

Tuy nhiên, Washington lâu nay coi hai hệ thống vũ khí nói trên của Moskva thuộc phạm vi giới hạn của START mới.

Ngoại trưởng Lavrov nói rõ rằng Washington cần nhất trí gia hạn START mới trước khi Nga nhất trí đưa những hệ thống vũ khí mới của Nga vào các cuộc đàm phán tương lai.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tái khẳng định quan điểm của Washington rằng các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí trong tương lai cần tính đến mong muốn của Mỹ đưa Trung Quốc tham gia một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên.

Thực ra, việc đặt điều kiện Trung Quốc cần nhất trí tham gia cuộc đàm phán ba bên trong tương lai về kiểm soát vũ khí hạt nhân để gia hạn START mới là điều vô nghĩa.

Theo START mới, Nga và Mỹ chỉ được phép duy trì không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc chỉ duy trì một lực lượng răn đe hạt nhân tối thiểu mà Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ gần đây nói rằng chỉ ở mức vài trăm đầu đạn hạt nhân.

Với sự chênh lệnh lớn về số đầu đạn hạt nhân như vậy, Bắc Kinh không giành được lợi ích gì từ cuộc đàm phán này và cũng đã tỏ thái độ không hào hứng tham gia đàm phán.

Nếu Nga và Mỹ có thể cắt giảm đáng kể số đầu đạn hạt nhân tại các vòng đàm phán mới thì mới có thể có cơ sở để thuyết phục Bắc Kinh tham gia cơ chế đàm phán ba bên.

Khi đó, chính quyền Donald Trump cần nhanh chóng chấp thuận đề nghị của Moskva về gia hạn START mới và tham gia vào vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí chiến lược.

START mới là hiệp ước hạt nhân duy nhất giữa Mỹ và Nga hiện còn tồn tại.

Nếu START mới được phép hết hạn vào tháng 2/2021 thì sẽ không có bất kỳ giới hạn nào được áp đặt đối với các hệ thống chiến lược của Nga và không có cơ chế thanh sát nào để xác minh được chủng loại và số lượng hệ thống vũ khí mà Nga đang triển khai.

Hội đồng tham mưu liên quân và cộng đồng tình báo Mỹ thì hoàn toàn ủng hộ gia hạn START mới vì họ hiểu rằng tác động tiêu cực sẽ phụ thuộc vào khả năng của Mỹ đánh giá được mối đe dọa đối với những lợi ích của Mỹ cũng như kế hoạch của Washington nhằm đối phó với mối đe dọa đó.

Một cách tiếp cận táo bạo mà Mỹ cần cân nhắc là tham gia một cuộc đàm phán ngay lúc này với Nga nhằm gia hạn START mới với số lượng đầu đạn hạt nhân cắt giảm xuống mức thấp hơn là 1.000 - thay vì mức 1.550 đầu đạn được cho phép hiện nay.

Trong các vòng đàm phán về START mới hồi năm 2010, hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cho rằng mức 1.000 đầu đạn hạt nhân là đủ và thích hợp để hỗ trợ chiến lược răn đe của Mỹ.

Đa phần nội dung còn lại của hiệp ước START mới vẫn được giữ nguyên như cũ và mục tiêu sẽ là nhằm nhanh chóng gia hạn hiệp ước này với giới hạn số đầu đạn hạt nhân ở mức thấp hơn và nhanh chóng bước vào một vòng đàm phán mới để đưa những hệ thống vũ khí mới vào hiệp ước này theo đề nghị của Moskva, có thể thậm chí giới hạn số đầu đạn hạt nhân ở mức thấp hơn nữa.

Khi đó, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ triển khai những phân tích và tính toán để xác định mức cắt giảm thấp hơn 1.000 đầu đạn mà Mỹ có thể chấp nhận được là mức nào.

Tuy nhiên, Washington cần thận trọng trước đề xuất của Moskva về việc đưa tàu lượn siêu thanh vào các cuộc đàm phán sau này.

Hiện, Mỹ cần một hệ thống tên lửa siêu thanh thông thường và có tầm bắn từ 8.000-10.000km mà có thể được phóng từ lãnh thổ Mỹ trong thời hạn ngắn.

Đây hiện là một chương trình được ưu tiên cao của Bộ Quốc phòng Mỹ. Vì sao? Nếu Mỹ không thể nắm bắt được thông tin về việc Triều Tiên đang chuẩn bị tên lửa hạt nhân với tầm bắn đáng kể để có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ thì hệ thống vũ khí duy nhất mà Mỹ sẵn có và có thể đáp trả tức thì tên lửa đó của Triều Tiên là vũ khí hạt nhân. Một hệ thống tên lửa tầm xa thông thường và có thể đáp trả tức thì là sự lựa chọn hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại lo sợ về một hệ thống như vậy vì nếu được triển khai với số lượng lớn, hệ thống này có thể tạo năng lực tấn công trước tiên theo cách thông thường chống lại các hệ thống vũ khí hạt nhân của họ.

Hiện Mỹ không có kế hoạch xây dựng một phiên bản tên lửa tầm xa hạt nhân, và có thể nhất trí giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân thông thường được triển khai.

Tuy nhiên, khái niệm về tàu lượn siêu thanh cần được đưa ra một cách thận trọng để không một thỏa thuận nào có thể chi phối phiên bản hệ thống vũ khí hạt nhân thông thường đã được lên kế hoạch từ trước.

Gia hạn START mới và tiến hành đàm phán để cắt giảm số lượng hệ thống vũ khí chiến lược mà Mỹ và Nga được phép triển khai đều là lợi ích quốc gia của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần nắm lấy cơ hội này để thực hiện những điều đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.