Lý do xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng phức tạp hơn

Theo tác giả Shamila N. Chaudhary, mặc dù xung đột hạt nhân vẫn rất khó có khả năng xảy ra nhưng vẫn phải tính đến khả năng các cuộc tấn công của Ấn Độ và sự trả đũa từ phía Pakistan.
Lý do xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng phức tạp hơn ảnh 1Binh sỹ Pakistan canh gác gần khu vực máy bay chiến đấu của Ấn Độ được cho là bị Pakistan bắn hạ ở Balakot, Pakistan, ngày 27/2. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/3, trang mạng The Hill của Mỹ đăng bài viết đánh giá của tác giả Shamila N. Chaudhary thuộc Đại học Johns Hopkins về xung đột Ấn Độ-Pakistan.

Nội dung bài viết như sau:

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ ủng hộ quyền tự vệ của Ấn Độ sau khi tổ chức phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) có trụ sở ở Pakistan tấn công các lực lượng bán quân sự của Ấn Độ ở khu vực Kashmir vào ngày 14/2 vừa qua.

Tuyên bố trên được ông John Bolton đưa ra khi đánh giá lại mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan từ năm 1947. Với sự bùng nổ các vấn đề an ninh giữa những đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân, Mỹ dường như giữ khoảng cách với Pakistan và tiến lại gần hơn trong mối quan hệ với Ấn Độ.

Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ từ bỏ vai trò truyền thống của mình để đứng về một bên - mà theo quan điểm người Pakistan là làm trầm trọng thêm cuộc xung đột? Cuộc tấn công trả đũa Ấn Độ tại Balakot của Pakistan trong tuần qua là trường hợp thứ ba trong lịch sử chỉ ra rằng một cường quốc hạt nhân đã tấn công một cường quốc hạt nhân khác với các lực lượng thông thường.

Tình hình trên sẽ khiến Mỹ quan ngại nhưng một môi trường địa chính trị thay đổi chắc chắn sẽ kéo người Mỹ xích lại gần Ấn Độ, bất kể các diễn biến của cuộc đụng độ hiện nay. Ấn Độ chứng tỏ sự hữu ích trong các nỗ lực của Mỹ nhằm tiếp tục tăng cường kiềm chế Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Mỹ rút hoàn toàn binh sỹ khỏi Afghanistan cũng có nghĩa là Mỹ sẽ giảm phụ thuộc vào Pakistan hơn trong việc sử dụng các tuyến vận chuyển thiết bị quân sự hỗ trợ chiến tranh, đồng thời mở rộng không gian chính trị để Mỹ gây áp lực lớn hơn đối với các mạng lưới liên kết của Pakistan có các hoạt động chống lại Ấn Độ.

Về lâu dài, một Ấn Độ được vũ trang hạt nhân không bị Mỹ gây áp lực, giúp Ấn Độ có thể hành động vì lợi ích an ninh trực tiếp của mình và trở nên mạnh mẽ hơn so với trước đây. Tuy nhiên, Ấn Độ có nguy cơ tạo ra những thách thức mới cho chính họ, đặc biệt là khi tạo ra mối quan hệ đối đầu hơn với Pakistan và cản trở những tham vọng toàn cầu của nước này.

Nguy cơ của cuộc chiến "Indo-Pak" lâu dài cũng là điềm xấu đối với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Afghanistan. Tại Nam Á, Ấn Độ và Afghanistan vẫn bị lôi kéo vào các mặt đối lập của cuộc xung đột.

Lịch sử cho thấy sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan mang lại những kết quả tích cực giống như cuộc Chiến tranh Kargil năm 1999. Mặc cho mối quan hệ phức tạp của Pakistan với Mỹ, Ấn Độ có thể sẽ hoan nghênh sự can dự của Mỹ.

[Ấn Độ-Pakistan đọ súng tại biên giới, căng thẳng tiếp tục leo thang]

Với “dấu chân” quân sự nhỏ hơn và khả năng vũ khí thông thường không thể so sánh với Ấn Độ, Pakistan coi vai trò của một số chính phủ nước ngoài là một thành phần quan trọng trong “bộ công cụ” giải quyết xung đột. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ phải trả giá cho sự can thiệp như vậy, khi phải đối mặt với phản ứng chính trị trong nước cũng như các mối đe dọa liên tục từ các phiến quân Pakistan khi nguy cơ chiến tranh hạt nhân giảm.

Sau khi quân đội Pakistan bắn hạ hai máy bay và bắt giữ một phi công Ấn Độ, Mỹ đã quay trở lại sử dụng những lời hoa mỹ về quyền “tự vệ”. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi cả hai quốc gia bằng bất cứ giá nào đều phải kiềm chế và tránh leo thang xung đột.

Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra vài ngày sau sự kiện này và mâu thuẫn với chính phủ Mỹ nhưng dù sao tuyên bố này báo hiệu rằng Mỹ một lần nữa sẵn sàng can thiệp. Ngoài các cam kết ngoại giao cấp cao, có thể hy vọng rằng ở cấp độ các đại sứ quán Mỹ ở Delhi, Islamabad và Washington cho thấy các nhà ngoại giao, chiến lược gia quân sự và các nhà phân tích tình báo đang theo dõi sát sao các sự kiện này. Mỹ sẽ tìm kiếm những tiếng nói ảnh hưởng khác để hỗ trợ việc đưa hai nước tránh xa bờ vực chiến tranh, cụ thể như Vương quốc Anh, Arabia Saudi và có lẽ cả Trung Quốc.

Tuần trước, việc Pakistan cảnh báo sẽ trả đũa Ấn Độ có thể tác động xấu đến các cuộc đàm phán đang diễn ra với tổ chức Taliban. 

Mỹ có thể tìm được lý do để thúc giục sự kiềm chế từ phía Ấn Độ, tuy nhiên, sẽ không dễ dàng gì để Ấn Độ kiềm chế dưới sức ép các cuộc bầu cử Quốc hội và quân đội Ấn Độ ngày càng mạnh hơn, và các cuộc tấn công vô cớ liên quan đến Pakistan trước đây đều nhằm chống lại việc giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Mặc dù xung đột hạt nhân vẫn rất khó có khả năng xảy ra nhưng vẫn phải tính đến khả năng các cuộc tấn công của Ấn Độ và sự trả đũa từ phía Pakistan... Chừng nào Ấn Độ còn có mối quan hệ chiến lược với Mỹ và duy trì các khả năng quân sự thông thường mạnh mẽ hơn, Pakistan sẽ không thay đổi chính sách sử dụng các chiến binh "ủy nhiệm" để chống lại Ấn Độ.

Với tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton rằng Mỹ ủng hộ quyền tự vệ của Ấn Độ, việc sử dụng các chiến binh "ủy nhiệm" của Pakistan có thể làm cho tình hình an ninh khu vực Nam Á phức tạp hơn và càng khó giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.