Lý giải động thái "bất thường" của thủ tướng Nhật Bản

Thủ tướng Fumio Kishida - với tư cách là Chủ tịch Đảng LDP - sẽ bỏ lỡ một số cuộc tiếp xúc cử tri và tranh luận trực tiếp với lãnh đạo các đảng phái trong chiến dịch tranh cử Thượng viện sắp tới.
Lý giải động thái "bất thường" của thủ tướng Nhật Bản ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/6, chiến dịch tranh cử Thượng viện Nhật Bản đã chính thức bắt đầu.

Hơn 500 ứng cử viên sẽ cạnh tranh 125 trong số 248 ghế ở Thượng viện thông qua các cuộc vận động tranh cử kéo dài trong khoảng 18 ngày tới trước khi bầu cử diễn ra vào ngày 10/7.

Cũng trong giai đoạn này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có chuyến công du nước ngoài dài ngày, từ ngày 26-30/6. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Kishida - với tư cách là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) - sẽ bỏ lỡ một số cuộc tiếp xúc cử tri và tranh luận trực tiếp với lãnh đạo các đảng phái trong chiến dịch tranh cử Thượng viện sắp tới.

Đây là một động thái được xem là bất thường so với các thủ tướng Nhật Bản trước đây, mặc dù trước khi rời Nhật Bản, Thủ tướng Kishida ngày 25/6 vẫn tham gia phát biểu tranh cử tại tỉnh Yamanashi và ngày 1/7 ngay sau khi về nước đã tiếp xúc cử tri tỉnh Okinawa.

[Chuyển động trong chính quyền Thủ tướng Nhật Bản F.Kishida]

Giới chuyên gia nhận định rằng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên, Trung Quốc vẫn thường trực, các hoạt động ngoại giao nguyên thủ tại các diễn đàn đa phương đang trở nên vô cùng cần thiết đối với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, những thành tựu về ngoại giao cũng góp phần củng cố uy tín của Nội các Thủ tướng Kishida cũng như của LDP trước bầu cử Thượng viện sắp tới.

Nguồn tin từ quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết cho đến cuối tháng 5/2022, Thủ tướng Kishida vẫn chưa quyết định có tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO hay không do lo ngại có thể ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử.

Mặc dù phía NATO thể hiễn rõ mong muốn có sự tham dự của Nhật Bản và chính bản thân Thủ tướng Kishida cũng có động lực tham dự, nhưng trong nội bộ chính trường Nhật Bản có ý kiến cho rằng hoạt động ngoại giao không thể tác động trực tiếp đến phiếu bầu so với các bài phát biểu trước công chúng và những cái bắt tay với cử tri Nhật Bản.

Thậm chí, có quan điểm cho rằng việc Thủ tướng Kishida vắng mặt ở thời điểm nhạy cảm này có thể làm giảm đi phần nào ưu thế vượt trội của LDP so với các đảng đối lập trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện lần này.

Tuy nhiên, sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nội bộ LDP là động lực lớn để Thủ tướng Kishida quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO.

Một thành viên của LDP cho rằng sẽ có những hạn chế nhất định nếu Thủ tướng Kishida vắng mặt ở thời điểm này, nhưng nếu ông làm tốt công tác ngoại giao, đó sẽ là điểm cộng cho LDP.

Thông thường, trước bầu cử, sẽ có những buổi tranh luận trực diện trên truyền hình giữa lãnh đạo các đảng phái về những điểm nhấn trong cương lĩnh tranh cử của mình nhằm thu hút sự quan tâm chú ý của cử tri trong nước.

Việc tham dự các hoạt động ngoại giao ở nước ngoài của người đứng đầu đảng cầm quyền sẽ làm giảm các bài phát biểu và tranh luận, đồng thời làm giảm sự thấu hiểu của người dân Nhật Bản đối với các chủ trương chính sách lớn mà đảng này theo đuổi.

Thủ tướng Kishida là người giữ chức ngoại trưởng Nhật Bản lâu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với 4 năm 8 tháng. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao cả song phương và đa phương kể từ sau khi nhậm chức vào năm ngoái.

Ngay sau bầu cử Hạ viện vào tháng 11/2021, Thủ tướng Kishida đã lập tức lên đường đến Vương quốc Anh tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Ngoài ra, ngay trước khi bế mạc kỳ họp Quốc hội thường niên ngày 15/6, Thủ tướng Kishida vẫn lên đường sang Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi.

Một thành viên chính phủ Nhật Bản cho biết Hội nghị thượng đỉnh NATO quy tụ lãnh đạo nhiều nước phương Tây không chỉ là cơ hội tốt để thảo luận và thống nhất các giải pháp liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với những động thái tham vọng bá quyền của Trung Quốc và sự phát triển của chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Do đó, sự tham gia trực tiếp của Thủ tướng Kishida rất có ý nghĩa để khẳng định lập trường của Nhật Bản đối với các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích chiến lược của quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.