Ma trận chiến lược tại Trung Á sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

Việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút binh sỹ sau hai thập kỷ can thiệp quân sự là chỉ dấu cho sự kết thúc thời kỳ đơn cực trong các vấn đề quốc tế.
Ma trận chiến lược tại Trung Á sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan ảnh 1Binh sỹ Mỹ tuần tra tại tỉnh Nangarhar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ The Indian Express của Ấn Độ đã đăng bài viết của nhà bình luận chính trị hàng đầu Raja Mohan với chủ đề "Ngay cả sau khi Mỹ rút quân, Afghanistan tiếp tục hình thành ma trận chiến lược khu vực."

Trong đó, bài viết cho rằng việc loại bỏ những do dự cũ và xây dựng liên minh địa chính trị mới sẽ là yếu tố quan trọng để Ấn Độ tham gia thành công với mô hình thu nhỏ Afghanistan.

Theo tác giả, việc tất cả binh sỹ Mỹ sắp rút khỏi Afghanistan không làm giảm tầm quan trọng của Kabul với vị thế là một mô hình thu nhỏ địa chính trị.

Như trong 5 thập kỷ qua, Afghanistan tiếp tục thể hiện những xu hướng quốc tế chính. Những xu hướng này gồm việc chuyển mối quan tâm từ quan hệ nước lớn sang mối quan tâm về vai trò ngày càng tăng của các cường quốc hạng trung; chuyển quan tâm từ sự phát tán chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đến mối quan tâm về lực lượng địa phương vốn biết cách "chơi" với thế lực bên ngoài.

Việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút binh sỹ sau hai thập kỷ can thiệp quân sự là chỉ dấu cho sự kết thúc thời kỳ đơn cực trong các vấn đề quốc tế.

Nếu phản ứng mạnh mẽ của Mỹ đối với vụ tấn công khủng bố 11/9 cho thấy sức mạnh quân sự Mỹ, thì kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan cho thấy những hạn chế của việc sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, việc chấm dứt sự can dự của Mỹ không nhất thiết đồng nghĩa với việc Washington bị gạt ra ngoài lề con đường phát triển tương lai của Afghanistan. Mỹ vẫn là cường quốc toàn cầu quan trọng nhất ngay cả sau khi thời kỳ đơn cực kết thúc.

[Tổng thống Afghanistan và Ngoại trưởng Mỹ thảo luận về việc rút quân]

Washington cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kabul trong và sau khi rút quân. Tuy nhiên, bản chất và phạm vi của sự hỗ trợ đó không rõ ràng. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đang phải chịu áp lực trong nước không để Mỹ bị nhìn nhận là đang bỏ rơi Afghanistan.

Tổng thống Mỹ cũng không thể làm ngơ trước nguy cơ Afghanistan quay trở lại thời kỳ được biết đến là "mảnh đất màu mỡ" của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Mỹ sẽ là nhân vật nổi bật trong bất kỳ chiến lược nào của Taliban nhằm giành được sự công nhận ngoại giao và tính hợp pháp chính trị quốc tế. Taliban cũng như cần sự hỗ trợ kinh tế của phương Tây để ổn định đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Nếu những năm 1980 là một thập kỷ cuối cùng khốc liệt của Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, thì Afghanistan là "sân khấu lớn" để Mỹ và Nga "thi thố tài năng" của mình.

Nga, cường quốc hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ, kiên định đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của Afghanistan. Là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải với Trung Quốc, một nguồn cung cấp vũ khí chính, tầm ảnh hưởng của Nga là có thật.

Trên tất cả, Putin phô diễn ý chí chính trị và sự bạo trợn chiến lược để bù đắp cho việc Moskva mất vị thế siêu cường trên toàn thế giới từ Venezuela đến Myanmar và từ Mozambique đến Syria.

Trong bài phát biểu tuyên bố rút quân, Tổng thống Biden đề cập thách thức đang nổi lên từ Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến để rút binh sĩ ra khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, Trung Quốc được coi là nước hưởng lợi lớn nhất khi Mỹ rút quân. Liệu Trung Quốc có thể thay thế Nga và Mỹ trở thành cường quốc bên ngoài quan trọng nhất ở Afghanistan? Nếu Mỹ là một cường quốc ở xa, thì Trung Quốc là láng giềng Afghanistan. Không giống như Nga, Trung Quốc có thể cung cấp nguồn lực kinh tế to lớn cho Afghanistan dưới sự bảo trợ của Sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Việc Trung Quốc mở rộng quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh và Trung Á cũng như quan hệ đối tác sâu rộng với Pakistan tạo ra nhiều tiềm năng để Bắc Kinh đóng vai trò sâu sắc hơn ở Afghanistan.

Gần đây, Bắc Kinh đã "nhúng tay" vào lộ trình ngoại giao hòa bình cho Afghanistan. Cả Kabul và Taliban đều coi Trung Quốc là đối tác có giá trị trong việc theo đuổi các lợi ích khác nhau của họ. Bắc Kinh thường nói về việc mở rộng "Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan" tới Afghanistan.

Khả năng Trung Quốc can dự vào vấn đề địa chính trị Afghanistan sẽ không diễn ra suôn sẻ do Bắc Kinh thiếu kinh nghiệm điều hướng địa hình chính trị Tây Nam Á.

Trong suốt hơn bốn thập kỷ qua, Afghanistan là "cái nôi" của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và là nơi để các cường quốc bên ngoài lợi dụng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và biến nó thành thứ vũ khí nhằm đạt được những mục đích địa chính trị của mình. Trong những năm 1980, cuộc thánh chiến tại Afghanistan do Mỹ tài trợ là nhằm chống lại Liên Xô. 

Kể từ đó, các phần tử Hồi giáo cực đoan chỉ đạo cuộc thánh chiến chống lại phương Tây. Một trong những vấn đề lớn nhất đối với tương lai Afghanistan là tầm ảnh hưởng mà những phần tử Hồi giáo cực đoan có thể giành lại được ở đất nước dưới sự cai trị của Taliban kèm theo những hậu quả đối với toàn bộ khu vực Trung Á và Trung Đông.

Các động lực của Afghanistan không chỉ là cạnh tranh giữa các cường quốc. Các nước láng giềng của Kabul có nhiều tiếng nói trong việc định hình tương lai Afghanistan. Pakistan và Iran, hai quốc gia có chung đường biên giới dài, có ảnh hưởng tự nhiên lớn nhất đối với Afghanistan.

Tham vọng của Iran ở Afghanistan rất lớn và Tehran đã tham gia liên minh khu vực chống lại sự cai trị của Taliban giai đoạn 1996-2001. Ảnh hưởng của Iran trong khu vực tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qua và Tehran chắc chắn sẽ đóng một vai trò quyết định về tương lai Afghanistan.

Phát biểu tại Đối thoại Raisina 2021 ở Delhi cho rằng việc quay trở lại những năm 1990 và khôi phục tiểu vương quốc của Taliban ở Afghanistan đơn giản là không thể chấp nhận được.

Khi Taliban cai trị Afghanistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là những quốc gia duy nhất ngoài Pakistan công nhận chính phủ do lãnh đạo Taliban Mullah Omar điều hành.

Saudi Arabia và UAE đã "lùi lại phía sau" trong nỗ lực ngoại giao về hòa bình Afghanistan, song chắc chắn hai nước này sẽ sớm trở lại sân khấu trung tâm. Trong khi đó, Qatar táo bạo và Thổ Nhĩ Kỳ đầy tham vọng đã tự "nhảy vào" đấu trường Afghanistan. 

Việc tập trung vào vai trò của các cường quốc bên ngoài không nên tạo ấn tượng rằng các lực lượng ở bên trong Afghanistan chỉ là "những con tốt". Điều ngược lại là đúng. Các lực lượng này có quyền tự quyết của riêng mình.

Tất cả họ đều biết cách thao túng các thế lực bên ngoài vì mục tiêu của riêng họ ở Afghanistan. Ví dụ, vai trò chủ đạo của Taliban hiện đang bị dẫn dắt theo lối suy nghĩ sai lầm. Taliban hoàn toàn có thể ký kết các thỏa thuận độc lập với phần còn lại của thế giới. Các đối thủ của Taliban cũng có khả năng chiến đấu vì lợi ích của họ và sẽ tìm kiếm các đối tác bên ngoài.

Cuối cùng, tác giả cho rằng, khi mâu thuẫn ở ba cấp độ, quốc tế, khu vực và địa phương, giao thoa với nhau, thì bức tranh Afghanistan mới sẽ được vẽ nên bằng những gam màu xám xịt.

Một số cuộc tranh cãi đang diễn ra trong và xung quanh Afghanistan hứa hẹn sẽ sắp xếp lại trật tự khu vực một lần nữa. New Delhi cần có nhiều hoạt động chiến lược để đảm bảo lợi ích của mình và thúc đẩy sự ổn định của khu vực trong dòng chảy phức tạp này.

Việc loại bỏ những do dự cũ và xây dựng các liên minh địa chính trị mới sẽ là yếu tố quan trọng để Ấn Độ tham gia thành công với mô hình thu nhỏ Afghanistan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.