Macedonia dùng hơi cay đẩy lui hàng nghìn người nhập cư

Macedonia dùng hơi cay đẩy lui người nhập cư gốc Bắc Phi và Trung Đông

Cảnh sát Macedonia đã sử dụng hơi cay để đẩy lùi hàng nghìn người di cư gốc Bắc Phi và Trung Đông từ Hy Lạp tràn sang, sau một đêm họ bị mắc kẹt tại biên giới phía Nam.
Cảnh sát Macedonia chặn dòng người nhập cư tại biên giới. (Nguồn: Agence France-Presse/Getty Images)

Cảnh sát chống bạo động Macedonia ngày 21/8 đã sử dụng hơi cay để đẩy lùi hàng nghìn người di cư gốc Bắc Phi và Trung Đông từ Hy Lạp tràn sang nước này, sau một đêm họ bị mắc kẹt tại biên giới phía Nam.

Chính phủ Macedonia trước đó cũng áp đặt tình trạng khẩn cấp, đồng thời đóng cửa toàn bộ khu vực biên giới ở phía Nam.

Phóng viên hãng tin Reuters (Anh) có mặt tại hiện trường xác nhận cảnh sát đã sử dụng hơi cay và có ít nhất 4 người di cư đã phải nhập viện.

Tình trạng căng thẳng sau đó đã lắng dịu, tuy nhiên đám đông khoảng 1.000 vẫn đang ngồi chực chờ ở khu vực biên giới vào Macedonia.

Một số chuyến tàu hỏa hướng từ Macedonia tới Hy Lạp đã bị chặn lại tại ga tàu hỏa ở thị trấn biên giới Gevgelija, khiến hành khách phải chuyển sang xe buýt để tới Hy Lạp.

Hiện Chính phủ Macedonia đã triển khai cảnh sát chống bạo động và xe bọc thép tới khu vực này. Nhà chức trách Macedonia cũng huy động thêm binh lính quân đội để hỗ trợ kiểm soát dòng người di cư tìm cách vượt qua biên giới. Binh lính cũng sẽ được triển khai tới khu vực biên giới phía Bắc giáp Serbia.

Thời gian qua, hàng chục nghìn người di cư châu Phi từ các trại tiếp nhận của Hy Lạp đã tràn vào Macedonia, gây tình trạng hỗn loạn tại ga Gevgelija giữa hai nước.

Ngày 20/8, Chính phủ Macedonia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở vùng biên giới phía Nam giáp Hy Lạp, đồng thời siết chặt hoạt động qua lại cửa khẩu và phong tỏa tuyến đường cao tốc nối giữa thủ đô hai nước.

Những tuần gần đây, mỗi ngày có tới 1.500-2.000 người di cư từ Hy Lạp tràn qua biên giới Macedonia với hy vọng có thể chuyển bằng đường bộ tới Serbia để nhập cư trái phép vào lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU).

Trước tình hình này, Macedonia đã kêu gọi các nước láng giềng hỗ trợ về mặt hậu cần, song vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục