Không cần đến một ngày trời quang đãng mới có thể nhìn thấy bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ từ đảo Agathonisis của Hy Lạp. Với một chiếc xuồng cao su, chỉ cần ba tiếng đồng hồ trên biển là người ta có thể từ đó tới được Hy Lạp.
Ngay khi những người di cư xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đây, họ chọc thủng chiếc xuồng và để nó chìm xuống biển nhằm tránh cho việc bị đẩy trở lại mặt biển. Họ đến đây hầu như hàng đêm, với một tần suất vô cùng cao. Thường thì họ đặt chân tới Agathonisis vào lúc 4 giờ sáng. Nhiều trong số đó bước lên bờ từ chiếc xuồng của lực lượng tuần duyên Hy Lạp.
Đảo Agathonisis có chừng 150 dân, và ban đêm, họ có thể cảm thấy tiếng chân của người di cư cập bến. Ông Panaiota, 70 tuổi, nói với tờ Corriere della Sera của Italy: "Mùa Đông trước, một nhóm người Eritrea và Somalia đã vào nhà và làm bẩn hết nhà tôi. Họ đông hơn chúng tôi nhiều và các cụ già cảm thấy sợ hãi."
Viên cảnh sát duy nhất của đảo Agathonisis tập trung họ trong khoảnh sân của cái đồn nhỏ và họ ở đó suốt một ngày không lương thực, thuốc men, không người phiên dịch. Mỗi người di cư được phát cho một mẩu giấy với một con số và chờ đợi một con phà đến để đưa họ đi cùng với những người khách du lịch, nhưng ở một khu vực riêng, cách ly, tới Samos và cuối cùng Athens.
Agathonisis và những hòn đảo nhỏ khác của Hy Lạp gần lãnh hải với Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu một cuộc "xâm lăng" hầu như hàng ngày, hàng đêm. Chỉ tính riêng trong tháng Bảy năm nay, hơn 40.000 người di cư đã đổ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp qua những chiếc xuồng hoặc tàu cũ kỹ như thế. Tổng cộng khoảng 125.000 người đã chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, bất ổn chính trị ở Syria, Iraq, Afghanistan và các nước vùng Sừng châu Phi để tới Hy Lạp kể từ đầu năm cho đến đầu tháng Tám.
Kos, hòn đảo có 30.000 dân, đã ở trong tình trạng khẩn cấp từ nhiều ngày nay, khi số lượng người di cư trên đảo đã lên tới con số trên 7.000 người, vượt quá khả năng của các trại tiếp nhận ở đây.
Bạo động đã xảy ra với cảnh sát khi người di cư phản ứng đòi cơ quan kiểm soát người nhập cư của Hy Lạp phải đẩy nhanh thủ tục giấy tờ cho họ được chuyển tới Athens, từ đó tới các nước châu Âu khác. Agathonisis quá nhỏ và không xảy ra những vụ bạo động nhưng sự quá tải có thể cảm nhận được.
Hầu hết những người di cư mới đặt chân đến Agathonisis là người Syria và tất cả đều muốn đến miền đất hứa là nước Đức. Một chàng thanh niên nói: "Chúng tôi muốn đến đó bằng mọi cách, bằng tàu hỏa, ôtô, đi bộ, qua Macedonia, Serbia, Hungaria và Áo."
Cậu biết là một bức tường ngăn chặn người nhập cư đang được xây lên ở Hungary và cậu biết là kể cả khi nước Đức không muốn có cậu, cậu vẫn muốn tới đó bằng mọi giá. "Tôi có thể làm việc. Tôi muốn làm việc," cậu nói.
Tại Athens, đoàn người này sẽ nhập cùng với một nhóm những người di cư khác, chủ yếu là người Afghanistan. Những người này rồi cũng sẽ được chuyển đi ra ngoại ô, trên 50 container thiết kế theo kiểu nhà ở, với bếp ăn và nhà vệ sinh. Nhưng ở Athens, người ta lại có một cảm giác là vào mùa Đông tới, sẽ có nhiều chuyện tồi tệ xảy ra, tệ hơn là cuộc bạo động vừa qua ở đảo Kos.
Những người nghèo nhất trong số những người di cư sẽ không có tiền để tiếp tục cuộc hành trình và cạnh tranh dữ dội nhằm chiếm chỗ trên đường với những người vô gia cư Athens và buộc phải chấp nhận phần thuốc ít ỏi mà các tổ chức nhân đạo phân phát cho họ./.