Ngày 24/3, Malaysia cảnh báo nước này có thể đáp trả kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ bằng cách tẩy chay các máy bay chiến đấu của các công ty vũ khí EU.
Malaysia là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới sau Indonesia. Gần đây Malaysia đe dọa sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới kể hoạch của EU dần loại bỏ việc sử dụng dầu cọ để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Cả Malaysia và Indonesia đều đã tranh cãi với các nghị sỹ EU về việc trồng cọ lấy dầu, vốn bị xem là nguyên nhân dẫn tới nạn phá rừng và tàn phá thiên nhiên.
Trong tuyên bố mạnh nhất về vấn đề trên, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cảnh báo nước này có thể tìm kiếm nguồn cung cấp khác để nâng cấp phi đội máy bay Mig-29 do Nga sản xuất hiện đã lỗi thời, theo đó từ bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu Rafale và Eurofighter Typhoon của châu Âu.
Ông nhấn mạnh nếu EU có "hành động tấn công" lĩnh vực dầu cọ của Malaysia, Kuala Lumpur sẽ cân nhắc mua máy bay từ Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, ông khẳng định không muốn "tuyên chiến" với EU vì Malaysia vẫn cần hàng hóa của khối này, trong đó có nhiều thành viên là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.
Tuyên bố của Thủ tướng Mahathir được đưa ra trước thềm triển lãm quốc phòng quốc tế tại đảo nghỉ dưỡng Langkawi kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ ngày 25/3.
[Câu chuyện Malaysia trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung]
Trước đó, trong phiên họp của Ủy ban đặc biệt nội các về chống tham nhũng, Thủ tướng Malaysia cũng tuyên bố xem xét trả đũa EU, nếu khối này tiếp tục các biện pháp chống dầu cọ.
Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Mahathir đã gửi thư tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ Malaysia sẽ xem xét hạn chế nhập khẩu từ Pháp nếu nước này không rút bỏ lệnh cấm nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ. Lệnh cấm này được các nhà làm luật Pháp thông qua ngày 19/12/2018, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2020.
Theo kế hoạch, Luật Ủy quyền sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu vào tháng 4 tới để bổ sung cho Pháp lệnh Năng lượng Tái sinh EU, dự kiến sẽ cấm sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ trước năm 2030./.