Trong một thông báo, Cục Hải quan Malaysia cho biết các loại nước giải khát chứa đường sẽ bị áp mức thuế 0,4 ringgit/ lít (khoảng 0,1 USD) đối với 2 hạng mục nước ngọt đóng gói uống sẵn.
Các nhà sản xuất và nhập khẩu nước ngọt được cấp phép sẽ phải xuất trình giấy cam kết và các kết quả xét nghiệm, nhằm đảm bảo tổng lượng đường trong sản phẩm đồ uống của mình không vượt quá ngưỡng cho phép, nếu không sẽ phải thanh toán các khoản thuế liên quan.
Mức thuế trên được Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng công bố hồi năm ngoái, theo đó sẽ được áp dụng đối với những đồ uống có chứa lượng đường vượt quá 5 gram/100 ml và nước ép chứa trên 12 gram/100 ml. Mức thuế này đáng lẽ có hiệu lực từ ngày 1/4 vừa qua nhưng đã được lùi sang tháng 7 để các doanh nghiệp Malaysia có thêm thời gian chuẩn bị.
[Thuế tiêu thụ nước giải khát: Giải pháp cho vấn nạn béo phì]
Theo Thứ trưởng Y tế Malaysia Lee Boon Chye, việc tiêu thụ quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì, tiểu đường cùng nhiều căn bệnh không lây mạn tính khác vốn là một vấn nạn ở nước này. Malaysia bị coi là quốc gia có nhiều người béo phì nhất châu Á khi có tới 30% dân số bị thừa cân và 17,7% mắc bệnh béo phì.
Trước Malaysia, các nước Thái Lan, Brunei và Philippines cũng đã đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm giải quyết vấn nạn béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc áp "thuế đường" sẽ khiến giá bán lẻ các loại đồ uống có đường có thể tăng 20%, dẫn đến việc giảm tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm này. Cũng theo WHO, chính sách này có thể ngăn chặn 24.000 ca tử vong sớm liên quan đến bệnh tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim trong 20 năm tới./.