Giới chức y tế Malaysia hiện rất lo ngại về tình trạng nhiều trẻ em thuộc cộng đồng Hồi giáo của nước này đang trở thành những nạn nhân dễ bị lây nhiễm các bệnh dịch do cha mẹ các em từ chối tham gia các chương trình tiêm chủng vì sợ vi phạm những luật lệ tôn giáo khắt khe.
Trước vụ việc 5 trẻ em nước này tử vong trong tháng 6 vừa qua do nhiễm phải bệnh bạch hầu, một loại bệnh có thể được ngăn chặn nếu tiêm vaccine, các chuyên gia y tế Malaysia đã phản đối mạnh mẽ và đề nghị giới chức tôn giáo phải ban hành một sắc lệnh bắt buộc các gia đình theo đạo Hồi cho con mình tiêm chủng.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia S. Subramaniam bày tỏ lo ngại và nêu rõ nếu không được kiểm soát, trong dài hạn tình trạng này có thể gây ra tác động không nhỏ.
Theo bộ trưởng S. Subramaniam, số gia đình từ chối tiêm chủng đã tăng hơn gấp đôi so với 3 năm trước đó, lên tới 1.541 gia đình trong năm 2015. Những con số này phản ánh sự gia tăng các bệnh dịch có thể được ngăn chặn bởi vaccine, như bệnh bạch hầu hay bệnh sởi.
Cũng theo quan chức trên, cùng với các phong trào phản đối tiêm chủng diễn ra tại các nơi khác, nhiều người dân nước này đã từ chối tiêm chủng do lo sợ các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Bác sĩ chuyên khoa nhi Musa Mohamad Nordin, cũng là một thành viên thuộc Hiệp hội Y tế của Liên đoàn Hồi giáo Malaysia, cho biết có rất nhiều thông tin sai lệch lan truyền trong cộng đồng người Hồi giáo vốn chiếm tới 61% dân số nước này, như một số thành phần của vaccine không được phép sử dụng theo luật Hồi giáo.
Hội đồng Quốc gia Fatwa, cơ quan Hồi giáo cao nhất của Malaysia, đã thông báo các loại vaccine được phép sử dụng theo luật lệ Hồi giáo, thậm chí các loại vaccine với thành phần không phù hợp với đạo Hồi vẫn được phép sử dụng.
Tuy nhiên, hội đồng này hiện vẫn chưa quyết định ban bố một sắc lệnh các loại vaccine bắt buộc phải tiêm chủng trong cộng đồng người Hồi giáo./.