Malaysia mua thuốc Molnupiravir, Indonesia cấp phép vaccine Zifivax

Malaysia đã quyết định mua 150.000 liều Molnupiravir nhằm chuẩn bị cho giai đoạn coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu;” Indonesia cấp phép sử dụng cho vaccine Zifivax của Trung Quốc.
Thuốc Molnupiravir do công ty Merck & Co của Mỹ bào chế. (Ảnh: News Emory/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Chính phủ Malaysia ngày 7/10 thông qua Bộ Y tế đã ký thỏa thuận mua thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir như một sự lựa chọn bổ sung cho phương pháp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở nước này.

Phát biểu tại khóa họp Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết theo thỏa thuận với công ty dược phẩm sinh học Merck Sharp & Dohme, chính phủ đã đồng ý mua 150.000 liều Molnupiravir, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu.”

Theo ông Khairy, dựa trên các nghiên cứu do công ty Merck Sharp & Dohme thực hiện, việc sử dụng thuốc Molnupiravir có thể giảm tỷ lệ nhập viện tới 50%. Ngoài ra, loại thuốc này cũng phát huy hiệu quả trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, như Gamma, Delta và Mu.

Ông Khairy cho biết Bộ Y tế Malaysia đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi những phương pháp điều trị tiên tiến đối với bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới để đảm bảo rằng Malaysia không bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận những phương pháp điều trị tốt nhất cho người dân.

Đề cập đến mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19, ông Khairy nêu rõ chính phủ sẽ không bắt buộc mọi người phải tiêm mũi tiêm này. Tuy nhiên, ông khuyến nghị những nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và các nhân viên y tế tuyến đầu nên tiêm mũi tăng cường kể từ tháng thứ 6 sau khi họ hoàn thành tiêm chủng.

Malaysia đã bắt đầu triển khai mũi tiêm tăng cường từ ngày 1/10 tại bang Sarawak.

Indonesia cấp phép sử dụng cho vaccine Zifivax của Trung Quốc

Trong khi đó, tại Indonesia, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (BPOM) của nước này đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Zifivax của Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 7/10, người đứng đầu BPOM - bà Penny K Lukito cho biết việc cấp EUA được thực hiện sau khi Ủy ban cố vấn quốc gia về tiêm chủng (ITAGI) tiến hành đánh giá chung về chất lượng của vaccine này.

[Brunei hối thúc ASEAN đẩy mạnh hợp tác về vaccine và sức khỏe tâm thần]

Cụ thể, hiệu lực bảo vệ của vaccine Zifivax lên tới 81,71% một tuần sau khi hoàn tất liệu trình tiêm vaccine và 81,4% sau 14 ngày tiêm mũi thứ ba. Hiệu lực bảo vệ của vaccine ở nhóm đối tượng từ 18-59 tuổi là 81,5% và 87,6% đối với người trên 60 tuổi.

Vaccine Zivifax do công ty dược phẩm An Huy Zhifei Longcom Biopharmaceuticals phát triển và được phát triển tại Indonesia với sự hợp tác của công ty PT JBio.

Loại vaccine này đã được thử nghiệm lâm sàng tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java đối với 4.000 người tình nguyện. Ngoài ra, Zivifax cũng đã được thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, Pakistan, Uzbekistan và Ecuador với tổng cộng 28.500 người tham gia.

Theo bà Penny, cho tới nay Zivifax chỉ được sử dụng để tiêm bắp cho những người từ 18 tuổi trở lên. Loại vaccine này được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C; mỗi liệu trình vaccine gồm 3 mũi được tiêm cách nhau một tháng.

Zivifax không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường gặp gồm nhức đầu, mệt mỏi, sốt.

Tính đến nay, BPOM đã cấp EUA cho 10 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Sinopharm, Moderna, Sputnik V, Janssen, Convidecia, Bio Farma COVID-19 (sản phẩm nội địa hóa của vaccine Sinovac), và Zivifax./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục