Malaysia ngày càng cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Từ thái độ nhẫn nhịn, Malaysia chuyển sang cân nhắc đưa ra phản ứng cứng rắn hơn trước các động thái hung hăng áp đặt chủ quyền của Trung Quốc.
Malaysia ngày càng cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ảnh 1Tàu Hải giám Trung Quốc. (Nguồn: Telegraph)

Trước việc Trung Quốc ra oai tại Biển Đông, Malaysia đang cân nhắc đưa ra phản ứng cứng rắn hơn.

Trong một phóng sự công bố ngày 1/6, hãng tin Reuters của Anh đã đưa ra nhận định như trên về chuyển biến gần đây trong chính sách của Kuala Lumpur về vấn đề Biển Đông: Từ một thái độ nhẫn nhịn chuyển sang ngày càng có dấu hiệu cứng rắn hơn trước các động thái hung hăng áp đặt chủ quyền của Trung Quốc.

Thời gian qua, đã xảy ra một số "va chạm" trên biển giữa Trung Quốc và Malaysia. Hồi tháng Ba vừa qua, một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc đã có hành động hung hăng nhằm vào tàu của lực lượng tuần duyên Malaysia.

Ngoài ra, dư luận Malaysia cũng hết sức quan ngại về vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong khu vực South Luconia, có tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo bảo vệ.

Trước những vụ việc trên, Malaysia dường như đã thay đổi thái độ. Theo Reuters, một viên tướng cấp cao của Malaysia cho rằng Kuala Lumpur giờ đây cần phải đứng lên chống lại những hành vi xâm nhập lãnh hải Malaysia do Trung Quốc tiến hành.

Để trấn an dân tình, chính quyền Kuala Lumpur còn loan báo cho triển khai tàu Hải quân đến khu vực, và trong một động thái hiếm hoi, đã triệu Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích rõ vụ việc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phản đối của Kuala Lumpur. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hề nhận lỗi, với luận điệu cố hữu là tàu cá của họ chỉ đánh bắt bình thường ở “các vùng biển liên quan.”

Sau đó, trong một động thái được cho là nhằm đáp trả Trung Quốc, Malaysia đã công bố kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân tiền phương gần Bintulu, phía Nam Miri.

Kuala Lumpur đã giải thích đây là căn cứ để đối phó với nguy cơ tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đang hoạt động tại miền Nam Philippines, tức là cách đó hàng trăm cây số về phía Đông Bắc.

Tuy nhiên, ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho biết căn cứ này không phải nhằm vào IS, mà có thể hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông mới là đích ngắm thực sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.