Malaysia thành lập ủy ban giải cứu nạn nhân bị lừa đảo việc làm

Tiến sỹ Abdul Latiff Ahmad - Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, phụ trách Vụ chức năng đặc biệt - cho biết quyết định thành lập ủy ban đặc biệt đã được thống nhất tại cuộc họp Nội các Malaysia ngày 21/9.
Malaysia thành lập ủy ban giải cứu nạn nhân bị lừa đảo việc làm ảnh 1Tiến sỹ Abdul Latiff Ahmad - Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ. (Nguồn: AP)

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur đưa tin Malaysia mới đây thông báo sẽ thành lập một ủy ban liên bộ đặc biệt do Bộ Ngoại giao đứng đầu để đảm bảo những công dân nước này, là nạn nhân của các tổ chức lừa đảo lao động nước ngoài và đang mắc kẹt ở các quốc gia khác, được hồi hương an toàn.

Tiến sỹ Abdul Latiff Ahmad - Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, phụ trách Vụ chức năng đặc biệt - cho biết quyết định thành lập ủy ban đặc biệt đã được thống nhất tại cuộc họp Nội các Malaysia ngày 21/9.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ trưởng Abdul nhấn mạnh vấn đề đã được thảo luận nghiêm túc và chính phủ rất quan tâm đến hoàn cảnh của các công dân Malaysia bị mắc kẹt ở nước ngoài - gồm Lào, Myanmar, Thái Lan và Campuchia - và sự lo lắng của gia đình họ. Theo ông, đây là những nạn nhân của các tổ chức lừa đảo cung cấp việc làm ở nước ngoài.

[Hong Kong triệt phá mạng lưới lừa đảo việc làm ở nước ngoài]

Tính đến ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Malaysia ghi nhận số công dân nước này là nạn nhân của các tổ chức lừa đảo việc làm được giải cứu từ Campuchia là 143 người trong số 158 trường hợp được báo cáo, ngoài ra còn có 16 người được giải cứu từ Thái Lan, 27 người từ Lào và 5 người từ Myanmar.

Theo truyền thông quốc tế, những đối tượng buôn người thường thông qua mạng xã hội để nhắm đến những người trẻ tuổi ở châu Á, hứa hẹn với họ một “công việc không vất vả, lương cao,” có chỗ ăn ở tại các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanmar...

Tuy nhiên, khi đến nơi, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu. Họ bị bán cho những nhóm khác nhau, và bị buộc làm việc cho các công ty chuyên lừa đảo qua điện thoại hoặc mạng Internet. Nhóm nạn nhân lớn nhất thường đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. 

Nhiều nhóm tội phạm đã chọn Campuchia, đặc biệt là thành phố biển Sihanoukville, vì có mức thuế thấp và các quy định đăng ký kinh doanh lỏng lẻo, để đặt cơ sở hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục