Malaysia giám sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở bãi cạn Luconia

Malaysia tiếp tục giám sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở bãi cạn Luconia

Hải quân Hoàng gia và Cơ quan chấp pháp biển Malaysia sẽ tiếp tục theo dõi sự hiện diện của một tàu hải cảnh Trung Quốc đang neo đậu ở cụm bãi cạn Luconia.
Malaysia tiếp tục giám sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở bãi cạn Luconia ảnh 1Một tàu của Trung Quốc. (Nguồn: maritime-executive.com)

Hãng tin Bernama ngày 28/10 đưa tin Hải quân Hoàng gia và Cơ quan chấp pháp biển Malaysia (MMEA) sẽ tiếp tục theo dõi sự hiện diện của một tàu hải cảnh Trung Quốc đang neo đậu ở cụm bãi cạn Luconia, cách thành phố biển Miri, bang Sarawak, khoảng 84 hải lý.

Chỉ huy MMEA khu vực Sarawak, ông Ismaili Bujang Pit, cho biết: "Con tàu vẫn ở đó và theo tư vấn của Hội đồng an ninh quốc gia, chúng tôi đang theo dõi tình hình cùng với lực lượng hải quân."

Vụ việc này cũng được Văn phòng Thủ tướng xử lý. Thủ tướng Najib Razak đang đề cập vấn đề với người đồng cấp Trung Quốc theo con đường ngoại giao và hy vọng sẽ có giải pháp cho vấn đề này, ông Ismaili cho biết thêm Trung Quốc có thể có một số yêu sách về đảo.

Kể từ năm 2013, các lực lượng chức năng Malaysia đã giám sát sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc và phía Bắc Kinh cũng làm điều tương tự. Tuy nhiên, không có hành động khiêu khích từ cả hai phía. Theo báo cáo, nhiều ngư dân vùng biển Miri sợ đến gần cụm bãi cạn Luconia vì tàu của Trung Quốc ở đó.

Theo ông Ismaili, cơ quan MMEA đã gửi thư tới chính quyền liên bang yêu cầu triển khai thêm nhiều trang thiết bị tới Sarawak vì vào thời điểm hiện tại chỉ có 11 tàu tuần tra và 500 cán bộ hoạt động trong vùng bờ biển Sarawak.

Trong khi đó, hồi tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Shahidan Kassim tại một cuộc họp báo cho biết có thể có sự thâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển Malaysia, dựa vào sự hiện diện của tàu hải cảnh này trong hơn hai năm qua.

Bộ trưởng Shahidan cũng nhấn mạnh rằng khu vực biển này thuộc về Malaysia. Chính phủ sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ vùng biển của nước này ở Biển Đông trước sự lấn chiếm hoặc việc ngư dân nước ngoài không có giấy phép hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục