Maldives cử phái viên tới các nước tham vấn giải quyết khủng hoảng

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã cử phái viên tới các quốc gia có quan hệ hữu nghị để tham vấn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra tại quốc đảo Ấn Độ Dương này.
Maldives cử phái viên tới các nước tham vấn giải quyết khủng hoảng ảnh 1Tổng thống Maldives Abdulla Yameen. (Nguồn: AP)

Ngày 8/2, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã cử phái viên tới các quốc gia có quan hệ hữu nghị như Trung Quốc, Pakistan và Saudi Arabia để tham vấn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra tại quốc đảo Ấn Độ Dương này.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của Tổng thống, các phái viên được cử đi gồm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Mohamed Saeed tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mohamed Asim tới Pakistan và Bộ trưởng Nông - ngư nghiệp Mohamed Shainee tới Saudi Arabia.

Trọng tâm các cuộc gặp của giới chức Maldives với các nước là cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về việc thả các thủ lĩnh chính trị đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.

Cùng ngày, thông báo của Văn phòng Tổng thống cũng nêu rõ: "Mọi vấn đề quốc gia phải do người dân Maldives giải quyết và đó là trách nhiệm của người dân nhằm bảo vệ danh dự và danh tiếng quốc thể." Tổng thống Yameen khẳng định đất nước là của; người dân Maldives.

Trước đó, cũng trong ngày 8/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp thảo luận về tình hình Maldives sau khi Tổng thống Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày.

[Liên hợp quốc lên án Chính phủ Maldives vi phạm nền dân chủ]

Cuộc họp diễn ra sau khi Cơ quan Phụ trách các vấn đề chính trị của Liên hợp quốc đề nghị Hội đồng Bảo an đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc đảo này.

Ngày 6/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Chính phủ Maldives dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp và đảm bảo an toàn cho công dân nước này, "kể cả các thành viên thuộc bộ máy tư pháp."

Ngoài ra, Tổng Thư ký cũng vô cùng quan ngại về tình trạng căng thẳng leo thang tại Maldives, đặc biệt là việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng như lực lượng an ninh xông vào trụ sở Tòa án Tối cao.

Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về việc thả các thủ lĩnh chính trị đối lập, cho rằng các cựu quan chức này cần phải được thả cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng.

Ngoài ra, Tòa án Tối cao Maldives cũng ra phán quyết yêu cầu chính phủ phục chức cho 12 nghị sĩ bị bãi nhiệm do rời khỏi đảng của Tổng thống Yameen.

Phe đối lập hy vọng phán quyết trên sẽ mở đường giúp ông Nasheed về nước, tham gia vào cuộc đua ghế tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ phán quyết trên. Ngày 5/2, Tổng thống Yameen đã viết 3 lá thư gửi Tòa án Tối cao giải thích những thách thức trong việc thực thi phán quyết của tòa, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, ra lệnh các lực lượng an ninh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và thẩm phán của tòa Ali Hameed.

Tổng thống Yameen cáo buộc các thẩm phán tham gia một âm mưu lật đổ chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.