Ngày 3/4, chính quyền quần đảo Malvinas ở ngoài khơi phía đông nam của Argentina ra thông báo xác nhận cư dân đầu tiên ở vùng lãnh thổ này dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo thông cáo chính thức, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh và nhập viện từ hôm 31/3. Sau đó, các xét nghiệm cho kết quả khẳng định bệnh nhân đã bị nhiễm SARS-CoV-2 và đang được cách ly điều trị với sức khỏe ổn đinh.
[Nga cảnh báo trẻ em là nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 ở thủ đô Moskva]
Quần đảo Malvinas, mà Anh gọi là Falkland, là nơi mà Argentina và Anh vẫn đang tranh chấp chủ quyền từ năm 1833. Mới đây, chính phủ Argentina đã liên lạc với Đại sứ Anh tại Buenos Aires để đề nghị hợp tác hỗ trợ người dân sinh sống tại quần đảo Malvinas/Falkland do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Brazil ghi nhận thêm 60 ca tử vong
Ngày 3/4, Bộ Y tế Brazil cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 64 trường hợp tử vong và 1.146 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, nâng tổng số ca tử vong lên 359 người và nhiễm bệnh là 9.056 người.
Theo báo cáo của cơ quan y tế, đây là con số tăng bình thường trong thời điểm hiện nay và dự kiến có khả năng tăng mạnh trong những tuần tới khi tiếp cận đỉnh dịch.
Một lần nữa, giới chức y tế cho rằng việc thực thi nghiêm giãn cách xã hội là cần thiết bởi các biện pháp này sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm thời gian để tăng cường trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Kinh tế và Bộ Công dân cũng kêu gọi các nhánh quyền lực nhà nước, bao gồm cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, các thống đốc và thị trưởng các thành phố trên cả nước, cần phải đoàn kết để đối phó với tình trạng khẩn cấp do COVID-19 gây ra.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận nhiều ca lây nhiễm và tử vong mới do SARS-CoV-2
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/4 thông báo quốc gia này ghi nhận thêm 2.786 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 20.921 người. Trong ngày, số trường hợp tử vong do chủng virus nguy hiểm này cũng tăng thêm 69 ca, nâng tổng ca tử vong lên 425 người.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm đối với công dân dưới 20 tuổi kể từ đêm 3/4, như một phần trong những giải pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra quyết định bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng và đóng cửa 31 thành phố trên toàn quốc đối với các phương tiện giao thông, ngoại trừ hoạt động vận chuyển các nguồn cung thiết yếu.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi người trên 65 tuổi và những người có tiền sử bệnh mãn tính ở nhà để tránh dịch bệnh. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này đã tiến hành xét nghiệm thêm 16.160 trường hợp nhằm sàng lọc các nguy cơ lây nhiễm.
Số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi vượt mốc 1.500
Ngày 3/4, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize thông báo tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước năng đã tăng lên 1.505 ca so với 1.462 trường hợp trong 24 giờ trước đó, trong đó bao gồm bảy ca tử vong.
[Dịch COVID-19: Thế giới có trên 1 triệu ca nhiễm, 58.817 người tử vong]
Phát biểu tại thành phố Cape Town cùng ngày, ông Mkhize cho biết số ca tử vong do COVID-19 có thể tăng lên chín người sau khi có kết quả xét nghiệm của hai trường hợp nghi nhiễm vừa qua đời. Hai trường hợp trên là một nam giới 80 tuổi và một phụ nữ 81 tuổi đều cư trú tại tỉnh KwaZulu-Natal ở miền Đông nước này.
Theo Bộ trưởng Y tế Mkhize, các lực lượng chức năng đang tiến hành khoanh vùng và lên danh sách những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trên phạm vi cả nước, sau đó sẽ tập trung nguồn lực để tiến hành xét nghiệm tại những nơi này. Cho đến thời điểm hiện tại, lực lượng y tế Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 50.000 người.
Nam Phi đang trong ngày thứ tám áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19.
Theo quy định, trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men và đi nhận tiền trợ cấp./.