Cứ mươi ngày trên mạng xã hội lại rộ lên một cuộc “lý luận phê bình” về một tác phẩm văn học nghệ thuật. Đáng nói là người ta ngợi ca một cuốn sách, “ném đá” một bộ phim... trong khi chưa từng xem hết cuốn sách và bộ phim đó.
Tiến sỹ Huỳnh Vũ Lam (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng) gọi đó là hiện tượng “phê bình mạng” đang “gặm nhấm” buồn vui của khán giả Việt.
Vấn đề nói trên đã được đề cập tại Hội thảo khoa học toàn quốc "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo" diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12.
'Phê bình mạng": Phần lớn chạy theo xu hướng
Tiến sỹ Huỳnh Vũ Lam cho rằng mạng xã hội đang trở thành “chiến trường” cho các cuộc thảo luận về văn học, nghệ thuật bởi ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân về mọi vấn đề trong cuộc sống bao gồm cả phê bình các tác phẩm phim, ảnh, sách, tranh...
Theo ông Huỳnh Vũ Lam, “phê bình mạng” phần lớn là “ăn xổi ở thì,” chạy theo xu hướng, chịu sự tác động của cộng đồng hơn là khả năng tự chủ của bản thân người viết. Phê bình mạng không chỉ làm tổn hại đến việc thưởng thức tác phẩm mà còn tạo ra những hiện tượng lệch giá trị văn hoá Việt Nam.
Góp phần định hướng sự phát triển lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật
Tiến sỹ Lam nhận ra một thực tế là người dùng mạng xã hội thường có xu hướng công kích cá nhân, ít tranh luận xây dựng, “chụp mũ” người đối thoại và “múa phím” cho đã tay rồi quên ngay những gì mình phát ngôn.
Cách phê bình, đánh giá tác phẩm như vậy có thể thúc đẩy một nền văn hóa hời hợt, khiến nền công nghiệp văn hóa phát triển chậm lại, theo ông Lam nhận định.
“Không thể phủ nhận sự tồn tại của ‘phê bình mạng’ và mặt tích cực của mạng xã hội trong đời sống hiện nay, do đó, nhà phê bình không chỉ dựa vào chuyên môn mà phải có bản lĩnh và tâm lý vững vàng khi bước vào ‘dòng thác phê bình mạng’. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật cũng cần phải đổi mới để tiếp cận công chúng,” ông Lam nêu quan điểm.
Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) cùng chung trăn trở trước thực tế ngày càng nhiều Facebooker, YouTuber, TikToker trở thành “nhà phê bình” phim, sách...
Bà cho rằng hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức công chúng, tác động tích cực đến quá trình sáng tạo của văn nghệ sỹ, do đó, cần ngăn chặn kịp thời các trang mạng “mượn danh” phê bình khiến đời sống văn học, nghệ thuật mất phương hướng.
Theo nhà văn, nguyên nhân của hiện tượng “loạn phê bình” là do thiếu vắng một bộ phận các nhà phê bình lý luận được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm chuyên môn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình còn nhiều yếu kém.
“Chúng ta cần một chiến lược bồi dưỡng những cây bút phê bình chủ chốt, có uy tín cả trong giới chuyên môn và cả trên mạng để tạo được dòng thông tin chính thống, có sức thuyết phục, thu hút công chúng,” nhà văn chia sẻ.
Phát huy vai trò của phê bình nghệ thuật
Hiện tượng “phê bình mạng” chỉ là một trong những tồn tại, hạn chế của hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật được nêu ra tại hội thảo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Hội thảo khoa học toàn quốc nhằm nhìn nhận đánh giá khách quan 50 năm phát triển của văn hóa, văn nghệ Việt Nam (từ sau 1975), đặc biệt là công tác lý luận, phê bình để thêm một lần nữa nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sỹ.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, hội thảo huy động tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng các tác phẩm văn hóa văn nghệ thường trải qua 3 lần sáng tạo. Thứ nhất là sự sáng tạo của tác giả, thứ hai là sáng tạo thông qua giới lý luận phê bình, thứ ba là sáng tạo của nhân dân - những người thụ hưởng.
Theo ông Thắng, lý luận văn học nghệ thuật nước nhà cũng đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập. Phê bình văn học nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay, phát hiện cái hay, cái đẹp, hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật.
“Tuy nhiên, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm,” ông Thắng nêu rõ.
Do đó, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc. Điều này sẽ góp phần phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị, để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.
Đóng góp giải pháp, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng để đào tạo được lực lượng hoạt động chuyên nghiệp nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển công tác lý luận, phê bình thời gian tới, Nhà nước cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận, phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các nhà lý luận, phê bình./.