Ngày 6/5, Facebook đã tiết lộ hơn 20 thành viên đầu tiên của Hội đồng giám sát nội dung mới, trong đó có một cựu thủ tướng, người được giải thưởng Nobel Hòa bình và một số chuyên gia luật hiến pháp cùng những người ủng hộ quyền riêng tư.
Hội đồng này sẽ đứng độc lập, không chịu sự chi phối của ban lãnh đạo Facebook, mà một số người ví von là Tòa án Tối cao của Facebook, sẽ có thể đảo ngược các quyết định của công ty và Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg về những nội dung cá nhân xuất hiện trên Facebook và Instagram.
Facebook từ lâu đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về các vấn đề kiểm duyệt nội dung, như xóa một bức ảnh "Em bé Napalm" thời chiến tranh Việt Nam đến việc không ngăn chặn những phát ngôn thù hận ở Myanmar nhằm vào người Rohingya.
[Tòa án Mỹ phê chuẩn án phạt 5 tỷ USD với mạng xã hội Facebook ]
Hội đồng giám sát sẽ tập trung vào một lát nhỏ các vấn đề nội dung đầy thách thức bao gồm ngôn từ kích động và quấy rối cùng các nội dung liên quan đến an toàn của người dùng.
Hội đồng sẽ tăng lên khoảng 40 thành viên và Facebook đã cam kết tài trợ 130 triệu USD trong ít nhất sáu năm. Hội đồng sẽ đưa ra quyết định ràng buộc, công khai về các trường hợp gây tranh cãi khi người dùng đã sử dụng hết quy trình kháng cáo thông thường của Facebook.
Facebook cho biết các thành viên hội đồng đến từ 27 quốc gia và nói ít nhất 29 ngôn ngữ, mặc dù một phần tư thành viên nhóm và hai trong số bốn đồng chủ tịch đến từ Mỹ.
Các đồng chủ tịch là cựu thẩm phán Tòa án liên bang Mỹ và chuyên gia tự do tôn giáo Michael McConnell, chuyên gia luật hiến pháp Jamal Greene, luật sư người Colombia Catalina Botero-Marino và cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt.
Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Facebook cho biết Hội đồng giám sát nội dụng sẽ bắt đầu làm việc ngay lập tức sau khi ra mắt./.