Mạo danh cán bộ Bảo hiểm Xã hội, 'thao túng tâm lý' để chiếm đoạt tiền tỷ

Sau khi làm theo các yêu cầu từ người gọi điện, tự xưng là Cơ quan Bảo hiểm Xã hội quận Ba Đình hỗ trợ kiểm tra hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến, chị T phát hiện đã mất gần 1 tỷ đồng.
(Nguồn: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã mạo danh cán bộ, nhân viên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gọi điện hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bảo hiểm Xã hội VssID giả mạo hoặc yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân. Do chủ quan, có người đã "sập bẫy" và bị chiếm đoạt số tiền lớn.

Các thủ đoạn "thao túng tâm lý"

Mới đây, chị T (trú tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là Cơ quan Bảo hiểm Xã hội quận Ba Đình hỗ trợ kiểm tra hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến.

Đối tượng yêu cầu chị T sử dụng điện thoại Samsung để thực hiện cài đặt ứng dụng hỗ trợ xử lý từ xa.

Do giao diện của ứng dụng giống với giao diện chị đã cài đặt trên điện thoại iPhone nên chị hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác.

Sau đó, chị T kiểm tra thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút hết tiền nên đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 1 tỷ đồng.

Tại cơ quan công an, chị T cho biết chị là người có trình độ về công nghệ thông tin, đã thực hiện bảo mật các thông tin về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khi nghe điện thoại của đối tượng, thấy được phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên chị đã chủ quan, sập bẫy các đối tượng.

Trước đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân về việc bị nhiều đối tượng mạo danh cán bộ cơ quan Bảo hiểm Xã hội yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm Xã hội số.

Cụ thể, ngày 9/5, anh T.H.T (cư trú tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0924635… tự xưng là cán bộ cơ quan Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai thông báo hồ sơ Bảo hiểm Xã hội của anh cần phải đồng bộ dữ liệu căn cước công dân và yêu cầu anh lên cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh để cập nhật lại thông tin.

15 phút sau, người này gọi lại anh T hỏi có sử dụng phần mềm VssID không, anh T trả lời có, người này trả lời nếu vậy thì không cần lên cơ quan Bảo hiểm Xã hội và yêu cầu anh gọi số điện thoại khác để hướng dẫn cập nhật online.

10 phút sau, người này tiếp tục gọi lại và nói đang bận xử lý công việc nên sẽ chuyển hồ sơ của anh T cho một người khác, có số điện thoại 0949025… để người này hỗ trợ cập nhật thông tin.

Nghi ngờ đối tượng lừa đảo, nên anh T gọi điện thoại tới cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai để xác minh lại thông tin. Qua kiểm tra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh không có cán bộ nào có số điện thoại 0924635… và 0949025… gọi điện để yêu cầu đồng bộ dữ liệu, cập nhật căn cước công dân.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh không gọi điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân, người lao động đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm Xã hội số.

Người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng.

Tại Thái Bình, thời gian gần đây, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã nhận được thông tin phản ánh của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương về việc một số đối tượng đã tự xưng là cán bộ, viên chức ngành bảo hiểm xã hội gọi điện yêu cầu cung cấp số định danh cá nhân, căn cước công dân để đồng bộ dữ liệu, cập nhật thông tin trên sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và ứng dụng VssID-Bảo hiểm Xã hội số…

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thái Bình khẳng định đơn vị không có chủ trương nhắn tin, gọi điện trực tiếp yêu cầu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người dân cung cấp thông tin cá nhân.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Khánh Hòa, tại tỉnh cũng có tình trạng các đối tượng mạo danh cơ quan Bảo hiểm Xã hội các cấp gọi điện thoại cho người dân đề nghị cung cấp thông tin cá nhân để đồng bộ dữ liệu, cài đặt VssID-Bảo hiểm Xã hội số và hiệu chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Theo phản ánh của người dân, cùng với việc đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, các đối tượng còn gọi điện, nhắn tin yêu cầu lên trực tiếp Bảo hiểm Xã hội tỉnh, vào Phòng Tiếp nhận-Trả kết quả thủ tục hành chính (bộ phận một cửa) gặp trực tiếp viên chức, lao động (đúng tên, đúng người của bộ phận một cửa, Bảo hiểm Xã hội tỉnh) để được hướng dẫn nghiệp vụ, nhằm tạo lòng tin, dẫn đến việc một số người làm theo các hướng dẫn của đối tượng xấu.

Cá biệt, một số trường hợp người dân không tin thì bị các đối tượng này đe dọa, cho rằng nếu không cung cấp thông tin để điều chỉnh thì sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế không còn giá trị sử dụng, người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu không cung cấp thông tin để điều chỉnh thì toàn bộ quá trình đóng sẽ bị hủy, khiến người dân hoang mang.

Liên hệ các kênh thông tin chính thống

Theo cơ quan bảo hiểm, trong mọi trường hợp có liên quan đến việc tham gia, thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hiệu chỉnh, đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cài đặt VsslD-Bảo hiểm Xã hội số, cơ quan Bảo hiểm Xã hội không thực hiện việc gọi điện thoại để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phát đi nhiều thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh cơ quan, viên chức và người lao động cơ quan Bảo hiểm Xã hội để lừa đảo người dân đồng thời, đã gửi các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và thông tin rộng rãi tới người dân, người lao động.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tránh bị lừa đảo.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khuyến cáo người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để phòng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu có vướng mắc thì người dân liên hệ trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội nơi gần nhất hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline: 1900.9068 để được hỗ trợ.

Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ có 1 trang Fanpage đã được cấp tích xanh của Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn, người dùng cần lưu ý để tránh các trang giả mạo.

Về phía Bảo hiểm Xã hội các địa phương, đến ngày 15/5/2024, 54 Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố có trang fanpage được cấp tích xanh. Người dân, người lao động cần thông tin, hỗ trợ, hỏi đáp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, có thể tìm kiếm trang fanpage của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố nơi đang sinh sống, làm việc.

Người dân chọn trang fanpage đã được cấp tích xanh để nhắn tin đặt câu hỏi, yêu cầu; không vào các trang chưa được cấp tích xanh để phòng tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.

Để tránh sập bẫy chiêu lừa đảo giả mạo cán bộ bảo hiểm xã hội, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng.

Người dân không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại, đồng thời liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.

Người dân chỉ cài những phần mềm đã được cơ quan chức năng đã công bố trên website chính thức của đơn vị; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.

Người dân thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục