Ngày 16/10, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cho biết gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí.
Cơ quan Công an khẳng định không thể kiếm tiền từ những lời mời chào thực hiện nhiệm vụ trên mạng dù dưới bất cứ hình thức nào, bởi đó thường là những chiếc bẫy của kẻ lừa đảo.
Về hình thức lừa đảo này, cơ quan Công an cảnh báo đầu tiên đối tượng làm quen với nạn nhân trên mạng xã hội Facebook, giới thiệu tải ứng dụng mạng xã hội Telegram để tham gia xem phim online và bình chọn được trả phí.
Tiếp theo, khi có tài khoản mạng xã hội Telegram, đối tượng gửi kết bạn và nhắn tin hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ kiếm tiền; đối tượng sẽ gửi một đường link và hướng dẫn đăng nhập tài khoản và truy cập vào một trang web để xem phim và làm nhiệm vụ.
Ban đầu, số tiền nhỏ được trả vào tài khoản khiến bị hại tin tưởng và tiếp tục tham gia nhóm, nạp tiền vào tài khoản tích lũy. Sau khi nạp tiền và hoàn thành các yêu cầu do đối tượng đưa ra, lúc này hệ thống báo nhập sai dữ liệu và yêu cầu muốn rút tiền về thì phải nạp số tiền bù trừ dữ liệu là 36 triệu đồng.
Các lý do được đối tượng lừa đảo đưa ra để bị hại nạp thêm tiền. Với suy nghĩ chỉ có cách nạp thêm tiền thì mới có thể lấy lại tiền, các bị hại càng lún sâu vào chiếc bẫy của những đối tượng lừa đảo.
Trước đó, theo trình báo của ông H, trú tại tỉnh Bình Phước với cơ quan Công an, ông được một người mời kết bạn qua mạng xã hội và ông đã đồng ý. Sau đó, người này nhắn tin giới thiệu tải ứng dụng mạng xã hội Telegram để tham gia xem phim online và bình chọn được trả phí.
Qua Telegram, tài khoản @Buithihuong02 đã kết bạn với ông H và hướng dẫn chi tiết cách thức tham gia kiếm tiền qua việc bình chọn. Ban đầu, đối tượng gửi cho ông H một đường link, yêu cầu ông đăng nhập và thực hiện nhiệm vụ "bình chọn 1," sau đó ông nhận được 170.000 đồng chuyển vào tài khoản cá nhân.
Đến lượt "bình chọn 2," với phần thưởng tương đương 1 triệu đồng sau khi tích lũy 150 điểm, ông H được yêu cầu chuyển khoản 1 triệu đồng để tiếp tục nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành, ông H nhận được khoản tiền 1 triệu đồng.
Đối tượng tiếp tục gửi 1 đường link để tham gia nhóm và hoàn thành “bình chọn 3.” Ông H đã tham gia theo hướng dẫn và nạp 5 triệu đồng vào tài khoản trong nhóm tương ứng với 500 điểm tích lũy.
Sau khi nạp tiền và hoàn thành các yêu cầu do đối tượng đưa ra thì hệ thống báo ông H nhập sai dữ liệu và yêu cầu muốn rút tiền về thì phải nạp số tiền bù trừ dữ liệu là 36 triệu đồng.
Tin tưởng, ông H đã nạp tiền, tuy nhiên hệ thống bắt đầu xuất hiện lỗi. Để khắc phục, không có cách nào khác ngoài cách tiếp tục chuyển tiền. Ông H tiếp tục chuyển khoản nhiều lần vào hệ thống.
Sau nhiều lần nạp tiền vào mà vẫn không rút ra được, ông H nhắn tin hỏi thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do để thoái thác việc trả lại tiền đã nạp vào hệ thống. Khi mất hơn 1 tỷ đồng, ông H mới biết bị lừa, vội vàng đến cơ quan Công an trình báo.
Để tránh bị lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân, thông báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn và được hướng dẫn giải quyết./.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo sao chép giọng nói bằng AI
Các chuyên gia công nghệ cảnh báo hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói.