Đóng cửa phiên giao dịch chiều 9/2, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm, do giới đầu tư dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh thời điểm tăng lãi suất trước tình hình thị trường việc làm lạc quan của nước này.
Bộ Lao động Mỹ ngày 6/2 cho biết nền kinh tế hàng đầu thế giới tạo ra 257.000 việc làm trong tháng 1/2015, trong khi tốc độ tăng lương cơ bản theo giờ đã tăng 0,5%, đảo ngược từ mức giảm của tháng 12/2014.
Tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200, tăng hơn 10% trong 12 ngày tăng điểm, lại giảm 5,3 điểm và đóng cửa ở mức 5.814,9 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,44%, hay 8,52 điểm, và khép phiên ở 1.947 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,64% tương đương 158,39 điểm, xuống 24.521 điểm tại thời điểm chốt phiên ngày 12/1.
Tuy vậy, số liệu thương mại không như mong đợi của Trung Quốc khiến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng điểm trước kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nối lại các chính sách nới lỏng tiền tệ. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải ghi thêm 0,62%, hay 19,22 điểm, đóng cửa phiên ở 3.095,12 điểm. Trong khi tại Tokyo, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa tăng 0,36%, hay 63,43 điểm, lên 17.711,93 điểm.
Ngày 8/2, Chính phủ Trung Quốc công bố báo cáo cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2015 giảm 3,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm mạnh đến 19,7%, mức giảm lớn nhất trong năm năm, do giá hàng hóa thấp và nhu cầu nội địa ảm đạm.
Số liệu đáng thất vọng này đã khiến các nhà đầu tư dự báo Bắc Kinh sẽ sớm đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Tuần trước Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại, sau khi đã hạ lãi suất trong tháng 11/2014./.