Mẫu tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên có thể mang đầu đạn tới 3 tấn

Theo chuyên gia phòng thủ tên lửa Mỹ, mẫu ICBM mới này được cho là Hwasong-16, có thể được phát triển từ Hwasong-15, loại tên lửa mang vũ khí hạt nhân lớn nhất mà Triều Tiên đang sở hữu.
Bệ phóng tên lửa kiêm xe chở (TEL) của mẫu ICBM mới có đến 11 trục, 22 bánh xe. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bệ phóng tên lửa kiêm xe chở (TEL) của mẫu ICBM mới có đến 11 trục, 22 bánh xe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của một chuyên gia phòng thủ tên lửa Mỹ, mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên giới thiệu trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này được ước tính có thể mang đầu đạn nặng khoảng 2,5-3 tấn.

Trong cuộc duyệt binh lớn ngày 10/10 tại quảng trường Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã ra mắt một mẫu ICBM hoàn toàn mới, cùng với loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới và các hệ thống vũ khí hiện đại khác. Bệ phóng tên lửa kiêm xe chở (TEL) của mẫu ICBM mới có đến 11 trục, 22 bánh xe.

Trang tin NK News cho rằng đây có thể là mẫu ICBM cơ động trên bộ lớn nhất từng được chế tạo.

Mẫu ICBM mới này được cho là Hwasong-16, có thể được phát triển từ Hwasong-15, loại tên lửa mang vũ khí hạt nhân lớn nhất mà Triều Tiên đang sở hữu. Mẫu TEL chở Hwasong-15 chỉ có chín trục và 18 bánh xe.

Thiết kế tên lửa dài hơn có thể nhằm hai mục tiêu là tăng tầm bắn của tên lửa và có khả năng trang bị thêm nhiều đầu đạn.

Mẫu ICBM này đã làm gia tăng suy đoán rằng nó có thể mang theo một đầu đạn nặng hơn hoặc nhiều đầu đạn và có thể nhắm vào đất liền Mỹ.

[Chuyên gia: Triều Tiên dùng công nghệ hiện đại nhất chế tạo ICBM mới]

Trong một phân tích được đăng trên trang mạng 38 độ Bắc chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, ông Michael Elleman, chuyên gia cấp cao về phòng thủ tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, đã nêu bật sự cần thiết phải làm rõ về tính xác thực của ICBM.

Theo ông, tên lửa được cho là Hwasong-16 này có thể mang đầu đạn nặng khoảng 2.500 - 3.000 kg, gần gấp đôi trọng lượng đầu đạn của Hwasong-15 là khoảng 1.500kg.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng trong khi mẫu tên lửa mới có thể mang đầu đạn lớn, song khả năng di chuyển của nó sẽ bị hạn chế "nghiêm trọng" vì kích thước và trọng lượng khổng lồ.

Ông cũng cho rằng mẫu ICBM mới này "quá nặng và mong manh" để được vận chuyển an toàn khi được tiếp nhiên liệu đầy đủ. Do đó, tên lửa này phải được tiếp nhiên liệu ngay tại bãi phóng sau khi được dựng thẳng lên - một quá trình đòi hỏi vài tiếng đồng hồ để hoàn tất. Điều này cho thấy tên lửa này dễ bị tấn công trước khi phóng.

Đề cập tới khả năng Triều Tiên đang nghiên cứu công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV), ông Elleman cho rằng đây không phải là "công việc dễ dàng" và sẽ đòi hỏi nước này phải phát triển thêm các hệ thống tên lửa và dẫn đường.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng trong cuộc duyệt binh hồi năm 2012, Triều Tiên đã tiết lộ những bản mô phỏng tên lửa tên lửa tầm xa được chế tạo với chất lượng kém.

Mẫu ICBM mới được Triều Tiên ra mắt trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Mỹ đình trệ kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Mỹ đã bày tỏ thất vọng với động thái này, đồng thời cho biết đang thúc giục Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán bền vững và thực chất để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.