Máy bay QZ8501 đã hạ cánh xuống biển và bị bão nhấn chìm?

Phi công điều khiển chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia có thể đã hạ cánh khẩn cấp xuống biển thành công. Tuy nhiên chiếc máy bay vẫn bị biển động nhấn chìm.
Máy bay QZ8501 đã hạ cánh xuống biển và bị bão nhấn chìm? ảnh 1Thi thể các nạn nhân của chuyến bay QZ8501 được đưa về Surabaya (Nguồn: AP)

Phi công điều khiển chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia có thể đã hạ cánh khẩn cấp xuống biển thành công. Tuy nhiên chiếc máy bay vẫn bị biển động nhấn chìm. Đây là tuyên bố đáng chú ý vừa được một số chuyên gia đưa ra, trong bối cảnh các đội tìm kiếm ở Indonesia vẫn đang săn lùng hộp đen của máy bay.

Chiếc Airbus A320-200 đã rời thành phố Surabaya của Indonesia vào sớm Chủ Nhật tuần trước và biến mất khỏi radar khi đang ở trên biển Java, tại khu vực có bão kèm sấm sét.

Chiếc máy bay đã không phát tín hiệu thường thấy khi bị rơi hay chìm dưới nước. Các chuyên gia tin rằng những dấu hiệu này cho thấy cơ trưởng Irianto, một cựu phi công quân đội, đã tiến hành hạ cánh khẩn cấp xuống biển. Có vẻ như ông đã thành công và chiếc máy bay không bị vỡ tan khi va chạm với mặt nước.

"Các thiết bị xác định vị trí khẩn cấp (ELT) thường sẽ chỉ hoạt động trong tình huống có va chạm, không cần biết máy bay đâm xuống đất liền, xuống biển hay vách núi. Phân tích của tôi cho rằng hệ thống không hoạt động vì không có va chạm lớn nào trong quá trình hạ cánh" - Dudi Sudibyo, biên tập viên cao cấp của tạp chí hàng không Angkasa nói - "Phi công đã cố gắng hạ cánh máy bay trên mặt biển".

Chuyến bay QZ8501, mang theo 162 hành khách tới Singapore, đang bay hành trình ở độ cao 10km khi phi công xin đảo hướng để tránh bão. Mặc dù cơ quan điều hành không lưu cho phép máy bay đảo hướng sang trái, họ lại không cho nó nâng độ cao ngay lập tức vì có nhiều máy bay khác đang hoạt động trong khu vực. Không lâu sau đó, QZ8501 đã biến mất khỏi màn hình radar.

Một số nhà phân tích nói rằng máy bay bị mất lực nâng và rơi thẳng xuống biển do nó di chuyển quá chậm hoặc nâng mũi lên quá lớn (khi bay lên cao). Hiện không rõ vì sao máy bay không phát đi tín hiệu báo nguy.

Các đội tìm kiếm của Indonesia đã sục sạo trên biển Java trong vòng 48 giờ, trước khi phát hiện thấy các mảnh vỡ đầu tiên ở khu vực ngoài khơi đảo Borneo, nhờ tin báo của ngư dân.

Khó có khả năng nổ trên không

"Tôi có thể tạm kết luận rằng máy bay đã không nổ trên trời và cũng không có va chạm khi rơi xuống nước, bởi nếu vậy các thi thể sẽ không còn nguyên vẹn" - Chappy Hakim, một cựu tư lệnh không quân Malaysia nói với hãng tin AFP.

Máy bay QZ8501 đã hạ cánh xuống biển và bị bão nhấn chìm? ảnh 2Tìm kiếm QZ8501 trên biển Java (Nguồn: AP)
Thân máy bay cũng được cho là vẫn còn khá nguyên vẹn, sau khi lực lượng tìm kiếm phát hiện một "cái bóng" mang hình dáng máy bay dưới đáy biển. Hoạt động tìm kiếm đang tập trung vào điểm nghi vấn này.

Người ta đã thu hồi được một cửa thoát hiểm và một phao trượt của máy bay, cùng một số mảnh vỡ cùng vali, cho thấy các hành khách có thể đã được cảnh báo sơ tán ngay khi máy bay rơi xuống nước.

Cựu Bộ trưởng Giao thông Jusman Syafii Djamal tin rằng việc phát hiện phao trượt và cánh cửa thoát hiểm cho thấy "có người đã mở nó". Djamal nói thêm rằng các hành khách có thể đang chờ một tiếp viên bơm hơi vào xuồng cứu sinh khi một con sóng lớn đổ trúng mũi máy bay và khiến nó chìm xuống.
Quy trình an toàn bay tiêu chuẩn yêu cầu tất cả các hành khách phải được sơ tán khỏi máy bay trong vòng 90 giây.

Nguyên nhân và chi tiết của vụ tai nạn liên quan tới QZ 8501 sẽ vẫn là bí ẩn, cho tới khi cơ quan điều tra tìm được các hộp đen quan trọng, thứ sẽ cung cấp manh mối trả lời vì sao thiết bị định vị của máy bay không hoạt động. Các chuyên gia từ Pháp và Singapore hiện đã cùng cơ quan điều tra an toàn giao thông vận tải Indonesia tìm kiếm xác chiếc máy bay.

Nếu tìm được các hộp đen, dữ liệu ghi âm buồng lái sẽ hé lộ chi tiết về việc gì đã xảy ra với chuyến bay và các phi công đã nói gì trong khoảnh khắc cuối đời họ. "Chúng ta sẽ chỉ làm sáng tỏ mọi thứ nhờ hộp đen" - Sudibyo nói./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục