Máy bay Trung Quốc có động thái đe dọa máy bay Nhật Bản

Trang tin Japan Business Press cho biết một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã có động thái đe dọa như thể tấn công một máy bay của ASDF trên Biển Hoa Đông, khiến máy bay Nhật Bản phải tránh.
Máy bay Trung Quốc có động thái đe dọa máy bay Nhật Bản ảnh 1Máy bay U-125 của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo hãng thông tấn Kyodo, trang tin trực tuyến Japan Business Press ngày 28/6 đăng bài viết của một cựu tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) cho biết một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã có động thái đe dọa như thể tấn công một máy bay của ASDF trên Biển Hoa Đông, khiến máy bay Nhật Bản phải tránh.

Tác giả bài viết là ông Kunio Orita, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hỗ trợ trên không thuộc ASDF.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác nhận với Kyodo rằng những chi tiết trong bài viết bằng tiếng Nhật đăng tải trên trang Japan Business Press về cơ bản là đúng sự thật. Tuy nhiên, cả bài viết trên và quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản không cho biết thời điểm xảy ra vụ việc.

Bài viết trên nêu rõ "máy bay Trung Quốc đã có những hành động rất khiêu khích cùng với những diễn biến trên biển" - đề cập các vụ tàu Hải quân Trung Quốc gần đây tiến vào gần, thậm chí đi vào vùng biển của Nhật Bản như vụ một tàu Hải quân Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản gần đảo Kuchinoerabu, phía Nam Kyushu hôm 15/6.

Theo bài viết, máy bay chiến đấu của Trung Quốc "đã có động thái tấn công" một máy bay ASDF khiến máy bay này phải tránh.

Sau đó, máy bay Nhật Bản đã rời khu vực vì phi công cho rằng có thể vướng vào "một vụ không chiến có thể dẫn đến diễn biến khôn lường."

Máy bay Nhật Bản cũng đã "sử dụng một thiết bị tự vệ" để đề phòng khả năng bị tấn công bằng tên lửa. Thiết bị này được cho là pháo sáng có tác dụng cắt đuôi tên lửa tầm nhiệt.

Ông Orita từng là một phi công lái máy bay phản lực chiến đấu của ASDF.

Ông cho rằng sự đối đầu như trên có thể diễn biến thành một vụ va chạm trên không hoặc bắn tên lửa. Do đó, ông kêu gọi chính phủ "xem xét nghiêm túc vụ việc và yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành động kiểu này."

Ông Orita tham gia Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản sau khi tốt nghiệp Học viện Quốc phòng năm 1974. Ông giữ chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hỗ trợ trên không năm 2006 và nghỉ hưu năm 2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.