Methanol – Chất cực độc có trong rượu phá hủy cơ thể như thế nào?

Thời điểm trước và sau Tết, có rất nhiều bệnh nhân bị ngộ độc và tử vong vì rượu. Nguy hiểm nhất của bệnh nhân bị ngộ độc rượu là do uống phải các loại rượu chứa cồn công nghiệp.
Những vò rượu cần của người dân vùng cao. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Dân gian xưa vẫn truyền miệng nhau câu nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, Tháng Hai cờ bạc, Tháng Ba rượu chè…”

Rượu – đã từ lâu trở thành một đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi lễ Tết.

Nhiều người cho rằng chất men nồng, cay của rượu khiến người uống lâng lâng, một cảm giác có thể trút bỏ đi tất cả để vui vẻ hơn. Tuy nhiên, chính cái chất men trong rượu không đảm bảo có Methanol khiến không ít người ra đi sau cuộc nhậu mà mãi mãi không trở về.

Methanol vượt hàng nghìn lần

Theo con số thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân. Tính trung bình, một nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Việt Nam đang là nước sử dụng rượu bia ở mức cao báo động khi đứng thứ 2 trong khu vực, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.

Vừa qua (ngày 15/2), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân làm 7 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, giật mình.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đối với 3 mẫu rượu được lấy tại đám cỗ cho thấy, hàm lượng Methanol (cồn công nghiệp) vượt hàng nghìn lần so với ngưỡng cho phép.

Theo các chuyên gia, với hàm lượng Methanol trong rượu trên thì chỉ uống 1 ly đã có nguy cơ ngộ độc.

Kết quả xét nghiệm chất Methanol trong máu của 10 ca ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cung cấp cũng có tới 8 trường hợp có nồng độ methanol trong máu cao, thậm chí có trường hợp ca bệnh có nồng độ Methanol trên 326 mg/dL (gấp 16 lần ngưỡng ngộ độc thông thường). Trong khi thông thường nồng độ Methanol trong máu >20 mg/dL được coi là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng.

Gây tổn thương mắt, não

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, từ đầu năm đến nay, ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân mới do ngộ độc rượu. Có nhiều hôm có tới 4-5 ca. Tình trạng ngộ độc rượu đang gia tăng và có xu hướng tăng vọt vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trong khoảng 2 tuần trước và trong Tết Nguyên đán vừa qua, riêng Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã có tới 5 ca tử vong do ngộ độc Methanol, hầu hết người bệnh ở Hà Nội và có tiền sử uống nhiều rượu.

Trong số bệnh nhân nhập viện, đa số được xác định là do ngộ độc Ethanol (cồn thực phẩm) có trong các loại rượu thông thường nhưng cũng có không ít ca ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp). Một số trường hợp ngộ độc nặng do uống rượu ngoại.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên phân tích, nguy hiểm nhất của bệnh nhân bị ngộ độc rượu là do uống phải các loại rượu chứa cồn công nghiệp. Bởi chất Methanol vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các axít gây tổn thương tế bào, đặc biệt là ở mắt, não.

Vì vậy, khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện ngộ độc sau khi uống rượu như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê thì lúc đó tình trạng ngộ độc đã nặng, việc điều trị rất khó khăn và nguy cơ để lại di chứng rất lớn. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng Methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.

Theo cảnh báo của Bộ Y tế, trong 1“đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Vì vậy, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp, nên chăng các cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các cơ sở sản xuất rượu truyền thống./.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc sử dụng rượu:

1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục