Ngày 10/9 tại Panama, Ngoại trưởng Mexico José Antonio Meade và người đồng cấp nước chủ nhà De Saint Malo đã cùng khẳng định quyết tâm chung trong việc đối thoại với Cuba tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ bảy sẽ diễn ra vào tháng 4/2015 tại Panama.
Trong cuộc họp báo chung ở thủ đô Panama City, hai ngoại trưởng đã nhất trí rằng việc mời Cuba tham dự hội nghị là một hình thức đối thoại nhằm xích lại gần nhau hơn và tiến tới có tiếng nói chung về nhiều vấn đề khác nhau.
Ngoại trưởng Mexico Antonio Meade cũng tái khẳng định sự ủng hộ trước sau như một đối với Panama trong việc đăng cai hội nghị khu vực và đặc biệc là việc Panama mời Cuba tham dự. Theo ông, đây là cơ hội tốt để các bên đối thoại trực tiếp và bao giờ đối thoại trực tiếp cũng tốt hơn gián tiếp.
Trước đó, Ngoại trưởng Panama Saint Malo tiết lộ rằng Mỹ và Canada "hiểu" việc Cuba tham dự hội nghị khu vực và tin rằng tại diễn đàn này, các nước sẽ bàn thảo rộng rãi và dân chủ về các vấn đề nóng của khu vực như an ninh, di trú, giáo dục và y tế...
Ngoại trưởng Saint Malo nhấn mạnh đã đến lúc các nhà lãnh đạo khu vực cùng nhau bàn bạc về các vấn đề liên quan đến nhu cầu của người dân và tiến tới thỏa thuận, nhất trí về nhiều giải pháp cũng như hành động chung với tin tưởng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ bảy sẽ là không gian thích hợp cho đối thoại thẳng thắn.
Hồi đầu tháng Sáu, Nicaragua cũng đã đề xuất mời Cuba tham gia Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ năm 2015 với đầy đủ quyền và tư cách là một quốc gia chủ quyền.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ là hoạt động thường niên của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Cuba bị loại khỏi tổ chức này từ năm 1962 do sức ép của Mỹ sau khi chính phủ cách mạng tại Cuba quyết định đưa đất nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Đến năm 2009, OAS quyết định khôi phục tư cách thành viên của Cuba với sự ủng hộ của đại đa số các nước trong khu vực, song quốc đảo này kiên quyết lập trường không quay trở lại cho tới khi OAS không còn bị sử dụng như một công cụ chính trị của Washington./.