Các nhà lãnh đạo của Microsoft và Activision Blizzard ngày 28/6 đã tìm cách xoa dịu những lo ngại rằng đề xuất sáp nhập trị giá 69 tỷ USD của hai công ty sẽ tập trung quyền lực một cách bất hợp pháp, với Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft Satya Nadella nói rằng việc độc quyền các trò chơi của Activision "không có ý nghĩa chiến lược.”
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã yêu cầu Thẩm phán Jacqueline Scott Corley ở San Francisco chặn hai công ty hoàn tất thương vụ trên.
Lập luận được FTC đưa ra là thương vụ sẽ trao cho Microsoft, nhà sản xuất máy chơi điện tử cầm tay Xbox, quyền tiếp cận độc quyền vào các trò chơi của Activision bao gồm cả tựa "Call of Duty" đình đám. Điều đó sẽ khiến các công ty sản xuất máy chơi điện tử khác như Nintendo và Sony bị ảnh hưởng.
Trong phiên điều trần kéo dài khoảng 45 phút hôm 28/6, CEO Nadella bày tỏ không đồng tình với nỗi lo đó. Khi được hỏi liệu Microsoft có khả năng cấm đưa các trò chơi của Activision lên máy PlayStation của Sony để thúc đẩy doanh số bán Xbox không, ông Nadella đã trả lời: "Điều đó không có ý nghĩa kinh tế cũng như ý nghĩa chiến lược nào."
Để giải quyết những lo ngại của FTC, Microsoft đã đồng ý cấp phép tựa trò chơi bom tấn "Call of Duty" cho các đối thủ. Công ty cũng lập luận rằng việc cấp phép cho mọi nền tảng sẽ có lợi về mặt kinh tế hơn.
Phần lớn lời khai trong phiên điều trần tập trung vào tựa "Call of Duty" của Activision, một trong những trò chơi điện tử bán chạy nhất mọi thời đại.
Giám đốc điều hành của Activision, ông Bobby Kotick đã phát biểu trước đó vào cùng ngày rằng nếu Microsoft mua lại công ty của ông và chặn các nền tảng khác tiếp cận "Call of Duty," điều đó sẽ ảnh hưởng đến phần lớn trong số 100 triệu người chơi hàng tháng của tựa trò chơi này. Họ có thể xa lánh trò chơi, từ đó gây ảnh hưởng đến độ phổ biến của “Call of Duty.”
Ông Kotick cũng lập luận rằng Microsoft không có động cơ nào để hạn chế những công ty khác phân phối trò chơi của Activision. Ông đưa ra ví dụ rằng việc loại bỏ "Call of Duty" khỏi máy PlayStation của Sony sẽ "rất bất lợi" cho hoạt động kinh doanh của Activision.
[Tòa án Mỹ yêu cầu Microsoft tạm ngừng thương vụ thâu tóm Activision]
Thỏa thuận Microsoft-Activision Blizzard đã nhận được sự chấp thuận từ nhiều khu vực pháp lý bao gồm Liên minh châu Âu (EU). Nhưng FTC tại Mỹ và Cơ quan cạnh tranh và thị trường Vương quốc Anh (CMA) đều phản đối thương vụ này, lập luận nó có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường trò chơi điện tử trực tuyến.
FTC, cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ, đã tỏ ra cứng rắn hơn đối với các vụ mua bán - sáp nhập dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước các quyết định nhiều bất lợi của các tập đoàn lớn.
Microsoft bắt đầu kế hoạch thâu tóm Activision từ năm 2022 với mục tiêu thành lập công ty trò chơi điện tử lớn thứ 3 thế giới tính về doanh thu. Tuy nhiên, ý định này nhanh chóng thu hút sự quan tâm sát sao từ các nhà quản lý cạnh tranh, chống độc quyền tại nhiều nước trên thế giới.
Ông Martin Coleman, trưởng nhóm chuyên gia điều tra của CMA, nhận định thỏa thuận trên sẽ mang về cho Microsoft thêm nhiều lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Chuyên gia này đánh giá Microsoft hiện đã có vị thế cạnh tranh vượt trội và vị trí dẫn đầu thuận lợi hơn nhiều so với các đối thủ khác trong lĩnh vực trò chơi điện tử trực tuyến.
Do đó, thương vụ mua lại Activision Blizzard - vốn nổi tiếng với nhiều tựa trò chơi phổ biến như "Candy Crush" và "Call of Duty" - sẽ càng củng cố thêm lợi thế cho Microsoft. Điều này có thể cho Microsoft khả năng làm suy yếu những đối thủ mới và ảnh hưởng tới sự sáng tạo trên thị trường.
Trong phiên giao dịch 15/6, giá cổ phiếu của Microsoft Corp đã tăng lên mức cao kỷ lục mới khi thị trường lạc quan về triển vọng của trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó, giúp tập đoàn này đạt giá trị vốn hóa thị trường kỷ lục 2.590 tỷ USD.
Đóng cửa phiên 15/6, giá cổ phiếu của Microsoft tăng 3,2% lên mức kỷ lục 348,10 USD/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng hơn 45%. Mức đóng cửa kỷ lục trước đó là 343,11 USD/cổ phiếu đạt được trong phiên 19/11/2021.
Microsoft được coi là doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng công nghệ AI trong ngành công nghiệp phần mềm nhờ khoản đầu tư khổng lồ vào OpenAI, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco sở hữu chatbot ChatGPT nổi tiếng.
Tháng trước, Microsoft đã bắt đầu tung ra một loạt bản nâng cấp AI, trong đó có ChatGPT, cho các dịch vụ đám mây Azure cũng như công cụ tìm kiếm Bing, nhằm cạnh tranh với Google của Alphabet Inc.
Ngoài Microsoft, phiên 15/6 cũng chứng kiến giá cổ phiếu của Apple tăng lên 186,01 USD/cổ phiếu, mức cao kỷ lục, trong khi giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia lập kỷ lục mới với mức giá 432,89 USD/cổ phiếu.
Đầu phiên 15/6, các nhà phân tích của JPMorgan đã nâng dự báo giá cổ phiếu của Microsoft, khi công nghệ AI thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của tập đoàn này. Theo dữ liệu của Refinitiv, trong số 53 nhà phân tích về Microsoft, 44 người khuyến nghị mua cổ phiếu và mức giá trung bình là 340 USD/cổ phiếu.
Trong một lưu ý cho khách hàng, các nhà phân tích của JPMorgan nhấn mạnh quan điểm lạc quan về công nghệ AI tổng quát và niềm tin vào các thương hiệu phần mềm quan trọng.
Hồi tháng Tư, Microsoft đã báo cáo doanh thu và lợi nhuận hàng quý vượt ước tính của Phố Wall, nhờ sự tăng trưởng trong mảng kinh doanh phần mềm năng suất và điện toán đám mây trong khi các sản phẩm AI cũng giúp kích thích doanh số bán hàng.
Microsoft báo cáo đạt lợi nhuận là 2,45 USD trên mỗi cổ phiếu trong quý tài chính thứ ba kết thúc vào tháng 3/2023, cao hơn mức ước tính 2,23 USD/cổ phiếu của Phố Wall và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu của Microsoft tăng 7% lên 52,9 tỷ USD trong quý vừa kết thúc, vượt qua ước tính trung bình của các nhà phân tích là 51,02 tỷ USD. Phần lớn doanh thu của Microsoft vẫn đến từ việc bán phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng./.