Miền Trung sắp đón nhiều đợt mưa lớn có thể gây lũ lụt trong 10 ngày tới

Dự báo từ ngày 3-10/11/2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa; sau ngày 10/11, mưa lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn.
Các nhà dân bị ngập sâu tại trung tâm huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai; Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới.

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 6 (bão TRAMI) khu vực Trung Bộ đã xảy ra mưa to đến rất to, cục bộ có nơi trên 1.000mm như đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 1.500mm, hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.250mm, gây ngập lụt diện rộng.

Theo thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ ngày 3 đến ngày 10/11/2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn.

Sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn; trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, nhất là tại các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.

Các tỉnh, thành phố chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng.”

Các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định.

Địa phương rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến mưa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục