Ngày 14/5, Chủ tịch Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai Andrey Bystritskiy nhận định có rất ít khả năng Nga, Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận ba bên về giảm thiểu vũ khí hạt nhân dù việc các cường quốc thế giới tổ chức đàm phán về vấn đề này có thể hữu ích.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, ông Bystritskiy cho rằng một thỏa thuận hạt nhân ba bên là điều không khả thi. Chuyên gia này đã nêu ra nhiều lý do.
Thứ nhất, có rất nhiều quốc gia hạt nhân khác trên thế giới ngoài 3 cường quốc kể trên và mọi hiệp ước nhằm giảm thiểu đáng kể các loại vũ khí hạt nhân chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của nhiều quốc gia.
[Trung Quốc tuyên bố không đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Nga, Mỹ]
Thứ hai, kho vũ khí hạt nhân của Nga, Trung Quốc và Mỹ rất khác nhau, nên việc đạt thỏa thuận càng khó khăn. Dù tin rằng đàm phán (kiểm soát vũ khí hạt nhân) là khả thi và tiến triển trong vấn đề này là khả thi, song chuyên gia Bystritskiy nhận định để đạt được một hiệp ước thật sự và nghiêm túc, các bên phải vượt qua một chặng đường dài phía trước.
Chuyên gia Bystritskiy cũng tin rằng ý tưởng thảo luận về vũ khí hạt nhân theo định dạng ba bên không hề vô lý. Ông đồng thời đánh giá đây là một đề xuất có ý nghĩa tích cực.
Theo ông, các thỏa thuận riêng biệt giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ là khả thi, nhưng một định dạng ba bên khó có thể xuất hiện khi giữa các nước còn tồn tại những bất đồng rất sâu sắc, trong khi nguồn lực và khả năng của các nước cũng rất khác nhau.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc mong muốn tham gia hiệp ước giảm thiểu vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga. Vào cuối năm 2018, ông đề xuất một hiệp ước mới về tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể được ba nước ký kết.
Moskva và Bắc Kinh khẳng định vẫn chưa tiến hành bất kỳ cuộc tiếp xúc ba bên nào về vấn đề vũ khí./.