Nhân chuyến thăm của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu tới Việt Nam từ ngày 31/7-2/8, phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã phỏng vấn Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh về mục đích và ý nghĩa của sự kiện trên.
Đánh giá về quá trình hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong thời gian gần đây, Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong đang trên đà phát triển mạnh với nhiều thành tựu đáng kể.
Theo số liệu năm 2023 của Cục Thống kê Hong Kong, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong đạt 31,3 tỷ USD, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) và lớn thứ 7 trên toàn cầu của Hong Kong.
Trong số các đối tác thương mại chính của Hong Kong trên toàn thế giới, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 sang Hong Kong với kim ngạch đạt 17,1 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 từ Hong Kong với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, tính đến tháng 12/2023, Hong Kong cũng là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 tại Việt Nam tổng mức đầu tư lũy kế đạt 34,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, tính riêng trong năm 2023, Hong Kong đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,68 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore và Nhật Bản.
Xu hướng này tiếp tục được duy trì trong 7 tháng đầu năm 2024, khi Hong Kong trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 của Việt Nam, với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên cũng diễn ra sôi động với nhiều chuyến thăm của quan chức cấp cao của Chính quyền Hong Kong đến Việt Nam trong năm 2023 để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng gồm kinh tế, thương mại, giao thông vận tải, logistics, dịch vụ tài chính và tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đến Hong Kong tham dự Hội nghị Cấp cao "Vành đai và Con đường" lần thứ 8.
Theo đó, chuyến thăm Việt Nam của Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu từ ngày 31/7 đến 2/8 tới đây được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới trong quan hệ song phương.
Một bước tiến quan trọng nữa phải kể đến là việc Hong Kong chính thức mở thị thực cho lao động có kỹ năng của Việt Nam từ ngày 25/10/2023, cũng như nới lỏng hạn chế đối với việc cấp visa du lịch cho công dân Việt Nam.
Sự kiện này không chỉ mang tính đột phá mà còn mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong.
Chính sách này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động có kỹ năng Việt Nam, tạo điều kiện cho việc mở rộng hơn trong tương lai thị thực lao động trong các ngành nghề khác, kể cả lao động phổ thông.
Về triển vọng hợp tác trong tương lai, Hong Kong đang hướng tới phát triển thành trung tâm quốc tế hàng đầu trong 8 lĩnh vực, bao gồm tài chính, vận tải và logistics, thương mại, pháp lý, nghệ thuật và văn hóa, đổi mới và công nghệ, sở hữu trí tuệ và hàng không.
Trong bối cảnh này, Việt Nam và Hong Kong có thể tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác một cách toàn diện và hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực tài chính, Hong Kong có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ tài chính tiên tiến, kết hợp chia sẻ kinh nghiệm cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
Về logistics, hai bên có thể tận dụng vị thế của Hong Kong như một trung tâm vận tải quốc tế để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực thương mại, Hong Kong có thể đóng vai trò cầu nối giữa Việt Nam với thị trường Trung Quốc và quốc tế thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” và khu vực Vịnh lớn (GBA).
Hợp tác trong công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách thu hút nhân tài và hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp cũng mở ra nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hong Kong.
Ngoài ra, hai bên còn có thể đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục và đào tạo, du lịch và dịch vụ, công nghiệp thời trang, thực phẩm, đồ uống, nông sản và hàng tiêu dùng.
Đặc biệt, với chính sách mở visa làm việc mới, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực lao động được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của Hong Kong trong nhiều ngành nghề.
Với những lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống pháp luật, chính sách thuế đơn giản và thủ tục thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, Hong Kong tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hong Kong hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Nhận định về mục đích chuyến thăm của Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu tới Việt Nam, Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh cho rằng chuyến thăm của ông Lý Gia Siêu tới Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam-Hong Kong. Đoàn công tác có sự tham gia của nhiều quan chức chính quyền, hiệp hội và tập đoàn lớn, thể hiện sự coi trọng của Hong Kong trong quan hệ với Việt Nam.
Bên cạnh những chính sách chung, tốc độ tăng trưởng cao, sự ổn định về chính trị, cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ của Việt Nam cũng sẽ là những điểm mà phía Hong Kong muốn tiếp cận và khai thác.
Chuyến thăm hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng. Một là thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương, đặc biệt khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong.
Hai là tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu Hong Kong như cửa ngõ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc và quốc tế.
Ngoài ra, hai bên sẽ thảo luận tăng cường kết nối trong các lĩnh vực tiềm năng như tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giao lưu văn hóa, giáo dục và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Lý Gia Siêu dự kiến sẽ có các cuộc gặp quan trọng với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi về các cơ hội hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh định hướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn kinh doanh và kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Hong Kong với sự tham dự của quan chức chính quyền Hong Kong, Thành phố Hồ Chí Minh và đông đảo doanh nghiệp hai bên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiềm năng và mở rộng cơ hội hợp tác.
Bên cạnh đó, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Chia sẻ về những dự định trong việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hong Kong trong thời gian tới, bà Lê Đức Hạnh cho biết Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau sẽ tập trung thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Về thương mại, sẽ tận dụng vị trí "siêu kết nối" của Hong Kong với thế giới và Trung Quốc đại lục, cũng như vai trò trung tâm của Hong Kong trong GBA để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ thế mạnh của Việt Nam, không chỉ là nông thủy sản; tận dụng Hong Kong như trung tâm trung chuyển để đưa hàng hóa và dịch vụ Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới, đặc biệt là vào Trung Quốc đại lục.
Về đầu tư, sẽ thúc đẩy mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng. Ngoài các lĩnh vực truyền thống như khách sạn, logistics, bất động sản và chế tạo, cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như tài chính xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trao đổi nhân tài, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe và lao động.
Đồng thời, vận động các kênh đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Về du lịch, sẽ tận dụng xu hướng phục hồi của ngành du lịch Hong Kong, tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch. Vận động tạo thuận lợi trong việc cấp thị thực cho khách du lịch, doanh nhân Việt Nam đến Hong Kong. Quảng bá du lịch Việt Nam tại Hong Kong.
Về giáo dục, sẽ tiếp tục kết nối và vận động các trường đại học Hong Kong mở rộng chương trình học bổng cho sinh viên Việt Nam, tận dụng lợi thế của Hong Kong với nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, trong đó có 5 trường nằm trong Top 100 của thế giới.
Về lao động, sẽ tận dụng lợi thế của Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, đáp ứng được nhu cầu về lao động tại Hong Kong, thúc đẩy phía Hong Kong nới lỏng, tiến tới xóa bỏ hạn chế về thị thực lao động cho Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành nghề hai bên cùng có nhu cầu.
Về văn hóa, nghệ thuật và giao lưu nhân dân, Việt Nam và Hong Kong có những mối liên hệ về văn hóa, nghệ thuật cũng như giao lưu nhân dân rất sâu sắc và lâu đời, đồng thời đối với Hong Kong và thế giới, Việt Nam cũng là mảnh đất giàu tiềm năng và rất hấp dẫn về khía cạnh văn hóa và nghệ thuật.
Tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi về văn hóa, nghệ thuật với Hong Kong - một trung tâm Đông-Tây hội ngộ - cũng là cách đưa văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam đến với thế giới.
Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Đặc khu hành chính Hong Kong, đặc biệt là thiết lập quan hệ chiến lược giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hong Kong để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh tin tưởng rằng những ưu tiên hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hong Kong phát triển toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng tối đa vị thế của Hong Kong như một trung tâm quốc tế đa lĩnh vực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian tới./.
Tăng cường hợp tác thực chất và toàn diện giữa Việt Nam và Hong Kong
Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Hong Kong là mối quan hệ đặc biệt dựa trên nền tảng tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Hong Kong hiện là đối tác kinh tế quan trọng của nhau.