Ngày 24/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt một thỏa thuận với Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ về việc cung cấp 160 triệu liều vắcxin ngừa bệnh COVID-19 mà công ty đang thử nghiệm.
Tuần trước, Moderna cho biết vắcxin của hãng đã đạt hiệu quả tới 94,5% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Tháng Tám vừa qua, EC cho biết các cuộc thương lượng sơ bộ với Moderna đã kết thúc với mục đích ký thỏa thuận cung cấp 80 triệu liều vắcxin nói trên, kèm theo khả năng mua thêm 80 triệu liều khác. Đây là thỏa thuận thứ sáu mà EU ký với các nhà sản xuất vắcxin để đảm bảo đủ nguồn cung vắcxin tiêm phòng cho người dân châu Âu.
Trong một diễn biến khác, Ấn Độ dự kiến ưu tiên tiêm phòng cho 10 triệu nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 khi có vắcxin được cơ quan quản lý của nước này cấp phép sử dụng.
Báo Indian Express cho biết nhóm chuyên gia về quản lý vắcxin đã lập cơ sở dữ liệu về các nhân viên thuộc diện này, dựa trên số liệu do 92% số bệnh viện ở tất cả các bang cung cấp. 56% trong số này là bệnh viện tư nhân.
Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới với hơn 9 triệu ca nhiễm và hơn 130.000 ca tử vong. Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan cho biết Ấn Độ sẽ có vắcxin từ đầu năm tới.
[Châu Âu xem xét nhiều ứng viên vắcxin COVID-19 tiềm năng]
Cùng ngày, tại Australia, Bộ trưởng Greg Hunt thông báo nước này sẽ có vắcxin vào tháng Ba và sẽ bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế. Khi vắcxin này được phê chuẩn, người cao tuổi sẽ là đối tượng tiếp theo được ưu tiên. Ông bày tỏ hy vọng rằng mọi người dân Australia tự nguyện tiêm phòng sẽ được tiêm miễn phí trong năm 2021.
Tháng Chín vừa qua, Chính phủ Australia đã đạt một thỏa thuận với hãng AstraZeneca để mua 33,8 triệu liều vắcxin do hãng này sản xuất.
Theo Bộ trưởng Hunt, hiện không có bệnh nhân COVID-19 nào ở Australia phải dùng máy trợ thở trong bệnh viện. Ông nhấn mạnh điều đó có nghĩa là Australia đang hướng tới một chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19./.