Moderna đề nghị FDA cấp phép chính thức cho vaccine của hãng

Giám đốc điều hành của Moderna nhấn mạnh hãng rất phấn khởi với việc vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho thấy hiệu quả bền vững ở mức 93% trong 6 tháng qua sau liều tiêm chủng thứ 2.
Moderna đề nghị FDA cấp phép chính thức cho vaccine của hãng ảnh 1Vaccine Moderna. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 25/8 cho biết đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng chính thức đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng này.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí của Moderna nêu rõ: “Moderna, công ty công nghệ sinh học tiên phong trong liệu pháp bào chế vaccine dựa trên công nghệ mRNA, thông báo rằng công ty đã hoàn thành quy trình đề nghị FDA cấp phép sử dụng chính thức đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng."

Giám đốc điều hành của Moderna, ông Stéphane Bancel, nhấn mạnh hãng rất phấn khởi với việc vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho thấy hiệu quả bền vững ở mức 93% trong 6 tháng qua sau liều tiêm chủng thứ 2.

Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ từ ngày 18/12/2020 đối với những người từ 18 tuổi trở lên.

Đến nay, hãng Moderna đã cung cấp hơn 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Chính phủ Mỹ.

Liên quan đến vaccine, ngày 25/8, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne đánh giá việc phân bổ không đồng đều vaccine ngừa COVID-19 là một điểm yếu trong nỗ lực đấu tranh ngăn chặn đại dịch này ở khu vực châu Mỹ.

[EU phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vaccine của Pfizer và Moderna]

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến thường kỳ của PAHO, bà Etienne cho rằng sự chậm trễ trong khâu sản xuất vaccine khiến nhiều nước ở khu vực phải chờ đợi những lô hàng đã đặt mua từ nhiều tháng qua, trong khi các tập đoàn dược phẩm dường như chỉ ưu tiên cho vấn đề giá cả và các nước sản xuất chứ không chú trọng tới nhu cầu khi đưa ra quyết định về việc phân bổ vaccine.

Theo bà Etienne, mặc dù các nước trong khu vực đã nhận được gần 12 triệu liều vaccine viện trợ từ Mỹ, Tây Ban Nha, Na Uy, Pháp và Thụy Điển thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, song số lượng này là không đủ để bảo vệ cho hàng triệu người trong diện dễ bị tổn thương ở châu Mỹ.

Chỉ tính riêng khu vực Mỹ Latinh và Caribe thì đến nay mới chỉ có khoảng 23% dân số được hoàn tất quy trình tiêm chủng.

PAHO cũng đánh giá cao việc một số nước ở khu vực như Cuba đã chủ động tự sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 như một cách để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vaccine từ bên ngoài.

Cuba cũng là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất đã và đang phát triển tới 5 ứng viên vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 3 loại vaccine đã được cơ quan chức năng trong nước công nhận và được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Hiện nay, PAHO cũng đang nỗ lực xúc tiến việc đưa công nghệ vaccine mRNA về khu vực và thúc đẩy chương trình sản xuất loại này ở Mỹ Latinh.

Theo số liệu thống kê, trong tuần qua khu vực châu Mỹ đã ghi nhận thêm 1,5 triệu ca mắc COVID-19 mới, trong đó có gần 20.000 trường hợp tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục