'Mồi lửa mới' cho cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc

Do ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan rất quan trọng đối với ngành sản xuất Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ, các hành động đe dọa nhà máy sản xuất chất bán dẫn của hòn đảo này ẩn chứa nhiều rủi ro.
'Mồi lửa mới' cho cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Theo trang mạng nytimes.com, ngày 27/1, Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) đã công bố một nghiên cứu và một trò chơi giả định chiến tranh, trong đó minh họa mức độ phụ thuộc của thế giới vào chip điện tử do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất cũng như khả năng Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào các cuộc xung đột do sự phụ thuộc này.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ công bố các dự luật mới nhằm tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu về chip điện tử là một khuyến nghị chính trong báo cáo trên.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Quốc hội nước này thông qua các dự luật trên và cam kết sẽ làm việc để đưa hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ.

Ông nói: “Ngày nay, chúng ta chỉ sản xuất được 10% chip điện tử, mặc dù dẫn đầu về thiết kế và nghiên cứu chip... Chúng ta không có khả năng tạo ra những con chip tiên tiến nhất hiện nay, ngay lúc này. Tuy nhiên, ngày nay, 75% sản lượng chip nằm ở Đông Á. 90% các con chip tiên tiến nhất được sản xuất tại Đài Loan. Trung Quốc đang làm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu nhằm vượt qua phần còn lại và có rất nhiều ứng dụng - trong đó có cả các ứng dụng quân sự."

Các tác giả báo cáo cho biết ngay cả khi Quốc hội Mỹ chấp thuận các khoản đầu tư mới của chính phủ vào năng lực sản xuất chip trong nước, khả năng Mỹ bắt kịp trình độ chuyên môn của Đài Loan vẫn còn rất xa.

Báo cáo cho biết hiện Mỹ phụ thuộc vào chip tiên tiến của Đài Loan nhiều hơn so với dầu mỏ ở Trung Đông trong những thập kỷ trước.

Theo kịch bản trong trò chơi này, Trung Quốc có thể sử dụng cưỡng bức kinh tế, hoạt động mạng và các “chiến thuật lai” để cố gắng chiếm đoạt hoặc làm tổn hại ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, còn Mỹ cần tăng cường khả năng xác định và chống lại các chiến thuật của Trung Quốc, vốn đe dọa nguồn cung chip điện tử của nước này.

Trong những trò chơi như vậy, các quan chức, cựu quan chức, học giả và các chuyên gia sẽ tham gia một cuộc họp và đóng những vai trò khác nhau. Sau khi kịch bản ban đầu được đưa ra, các nhóm sẽ lần lượt đưa ra các quyết định chiến lược. Những hoạt động này được cho là sẽ mang lại hiểu biết sâu sắc về hành động của từng người và xác định rõ mỗi nhóm có thể đưa ra quyết định như thế nào.

Becca Wasser, người giúp thiết kế và chỉ đạo kịch bản trò chơi, cho biết mặc dù các trò chơi như vậy được tiến hành để phục vụ việc nghiên cứu Trung Quốc, song hầu hết chỉ tập trung vào các mối đe dọa quân sự thông thường, không để ý đến cách Trung Quốc có thể gây áp lực lên Đài Loan.

Việc chống lại các hành vi gây sức ép có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nếu Mỹ và Đài Loan mâu thuẫn ngay cả với chiến lược khả quan nhất.

Trong kịch bản này, nhóm nghiên cứu của Mỹ cho rằng Đài Loan sẽ thực hiện các chiến lược chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi ích của Đài Loan đôi khi sẽ dẫn đến những mục đích chồng chéo.

Ví dụ, khi Mỹ muốn đưa các kỹ sư bán dẫn đến nước này, Đài Loan đã phản đối do lo ngại về tình trạng chảy máu chất xám. Bà Wasser nói: “Bất cứ điều gì Mỹ cố gắng làm trong trò chơi này đã thực sự thất bại... Chúng tôi đã thấy nhiều ví dụ như vậy trong thực tế."

Do đó, báo cáo cho thấy các phản ứng đa phương và nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chip điện tử rất có thể là chiến lược tốt nhất.
Đài Loan đã dựa vào sự thống trị của ngành công nghiệp chip để phục vụ cho quốc phòng.

Theo lý thuyết “lá chắn silicon," do ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan rất quan trọng đối với ngành sản xuất Trung Quốc và nền kinh tế tiêu dùng của Mỹ, các hành động đe dọa nhà máy sản xuất chất bán dẫn của hòn đảo này ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

[Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc đua hạn chế “sự chi phối” của AI?]

Martijn Rasser, đồng tác giả của nghiên cứu và là cựu thành viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), cho biết điều cốt yếu là cộng đồng quốc tế phải thuyết phục Đài Loan rằng chiến lược lá chắn của họ cần được quốc tế hóa.

Ông nói: “Kế hoạch dài hạn nên là phân tán các năng lực của Đài Loan về mặt địa lý để đổi lấy việc tăng cường an ninh cho hòn đảo này."

Chính quyền của ông Biden nêu rõ rằng trong trường hợp của Ukraine, mặc dù Mỹ sẽ trừng phạt kinh tế nếu Nga có bất kỳ hành động xâm lược nào, nhưng họ sẽ không đưa quân chiến đấu cùng Kiev để ngăn chặn mọi sự can dự của Moskva.

Chính sách lâu nay của Mỹ đối với Đài Loan kêu gọi tăng cường phòng thủ và thể hiện sự “mơ hồ chiến lược” về việc liệu Washington có can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột tại hòn đảo này hay không.

Tuy nhiên, Đài Loan và chất bán dẫn của họ quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ hơn nhiều so với Ukraine - nghĩa là Mỹ rất có thể sẽ khó tránh khỏi một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan.

Đài Loan chiếm một nửa tổng sản lượng chip cho các mặt hàng điện thoại di động, điện tử tiêu dùng, ôtô, thiết bị quân sự và hơn thế nữa. Hàn Quốc, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất với Đài Loan, chiếm khoảng 17% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, chip Đài Loan là loại nhỏ nhất và nhanh nhất, các nhà máy của họ đóng góp tới 92% những mẫu thiết kế tiên tiến nhất.

Dan Blumenthal, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói: “Gần như không thể sao chép khả năng sản xuất chip cao cấp của Đài Loan với chip cấp thấp. Họ đơn giản là trung tâm sản xuất của thế giới."

Mặc dù Mỹ và châu Âu đang cố gắng thúc đẩy thiết kế và sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhưng họ không có khả năng sản xuất hàng loạt những thiết kế tiên tiến nhất mà Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có thể tạo ra.

Bà Wasser nói: “Bằng một cách nào đó, nếu chuỗi cung ứng chất bán dẫn bị Trung Quốc xâm phạm, tất cả những thứ mà người Mỹ tìm đến trong cuộc sống hàng ngày của họ, nhằm phục vụ công việc, gọi điện cho người thân hay làm nhiều việc khác, đều sẽ biến mất."

Các chuyên gia khác cho rằng sẽ là quá lời nếu nói Mỹ đang bị kéo vào một cuộc chiến về chip điện tử.

Tiến sỹ Bonny Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Trung Quốc sẽ quyết định biện pháp cưỡng chế đối với Đài Loan dựa trên mối đe dọa mà hòn đảo này nhận thức được đối với chủ quyền của họ, cũng như tình trạng đình trệ của quốc tế.

Tiến sỹ Lin nói: “Trung Quốc sẽ không dựa trên chính sách Đài Loan hay bất kỳ quyết định nào sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan... Trung Quốc sẽ nghĩ đến cái giá phải trả nếu dùng vũ lực với Đài Loan - trong đó có những cái giá đáng kể về chính trị và quân sự. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng chip sẽ không nằm trong 3 yếu tố hàng đầu dẫn đến việc (Trung Quốc) sử dụng vũ lực đối với Đài Loan”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.