Mỗi năm có hàng nghìn người thiệt mạng khi nhập cư vào châu Âu

Cho dù EU triển khai chiến dịch kiểm soát biên giới chung "Triton," song vẫn không ngăn được sự thiệt mạng của hàng nghìn người nhập cư vào châu Âu mỗi năm qua các bờ biển phía Nam của Italy.
Những người nhập cư trái phép từ Syria vào châu Âu được một tàu tuần tra của Cyprus giải cứu hồi tháng 9/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tính đến ngày 12/2, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa chìm tàu chở người nhập cư mới nhất trên biển Địa Trung Hải đã lên tới 330 người.

Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án kiểm soát biên giới chung "Triton" mà Liên minh châu Âu (EU) thực hiện từ ngày 1/11/2014, đồng thời, EU cũng chịu nhiều chỉ trích liên quan tới hoạt động cứu nạn người nhập cư trái phép bằng đường biển.

Nhiều ý kiến cho rằng chiến dịch "Triton" của EU đã không thể đáp ứng nhu cầu giải cứu hàng nghìn người nhập cư ồ ạt vào châu Âu mỗi năm qua các bờ biển phía Nam của Italy, trong đó chủ yếu là công dân đến từ các quốc gia có chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng kêu gọi EU tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu nạn ở Địa Trung Hải, đồng thời hỗ trợ một cách thích hợp cho Italy để đối phó với việc hàng nghìn người nhập cư mạo hiểm vượt biển đến châu Âu.

Phản ứng trước những chỉ trích, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh chiến dịch "Triton," mặc dù được triển khai ngay sau khi Italy kết thúc chiến dịch giải cứu người tị nạn trên biển mang tên "Mare Nostrum," song có chức năng khác hẳn, là tập trung kiểm soát an ninh biên giới.

Chính phủ Italy đã kết thúc chiến dịch “Mare Nostrum” hồi tháng 10 năm ngoái sau khi tuyên bố nước này không thể tiếp tục hoạt động nếu không nhận được nguồn hỗ trợ tài chính từ các đối tác EU.

Việc cứu người nhập cư trên biển cũng làm dấy lên những tranh cãi gay gắt giữa các đảng phái chính trị ở châu Âu.

Đảng cánh hữu Liên minh miền Bắc Italy cho rằng chiến dịch giải cứu chỉ khuyến khích thêm những người di cư tìm cách đổ đến châu Âu trên những chuyến đi mạo hiểm và làm lợi cho những kẻ buôn người vô đạo đức.

Ngược lại, các tổ chức nhân quyền và các đảng cánh tả lại cho rằng những người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông đã quá tuyệt vọng, và không nên ngăn cản họ chạy thoát bằng đường biển.

Theo ước tính của UNHCR, hơn 207.000 người đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu trong năm 2014, cao gấp 3 lần so với con số kỷ lục hồi năm 2011 sau sự kiện "Mùa Xuân Arab."

Cũng trong năm ngoái, gần 3.500 người di cư đã thiệt mạng trên hành trình vượt Địa Trung Hải tới châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục