8,3 triệu USD là số tiền mà Chính phủ Mỹ ước tính phải bỏ ra mỗi ngày cho các cuộc không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng" (IS) ở Iraq và Syria, cao hơn nhiều so với con số công bố trước đó.
Trong phát biểu ngày 27/10, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Trung tá Bill Urban, nêu rõ con số trên vượt xa số tiền mà Bộ Quốc phòng Mỹ dự toán là hơn 7 triệu USD/ngày.
Theo ông Urban, kể từ khi phát động chiến dịch chống IS ngày 8/8 đến nay, Mỹ và các nước đồng minh đã thực hiện khoảng 6.600 cuộc không kích, tiêu tốn tới 580 triệu USD. Một quan chức quốc phòng giấu tên khác cho biết mức chi phí đội lên đã phản ánh rõ sự gia tăng các cuộc không kích và một số chuyến bay khác phục vụ cho chiến dịch này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định rằng Lầu Năm Góc chưa đưa ra con số chính xác của cuộc chiến chống lực lượng cực đoan khi không tính tới chi phí của công tác triển khai hàng trăm binh lính nhằm bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq và cố vấn cho quân đội nước này từ giữa tháng 6 vừa qua.
Một số cựu quan chức ngân sách và các chuyên gia bên lề dự đoán chi phí cho cuộc chiến vốn được nhìn nhận là khó khăn và lâu dài này có thể lên 1 tỷ USD, thậm chí có thể "bòn rút" ngân sách Mỹ hàng tỷ USD trong một năm.
Trong một báo cáo công bố hồi cuối tháng 9 vừa qua, Trung tâm Chiến lược và Đánh gia ngân sách ước tính mỗi năm Washington có thể phải bỏ ra khoản tiền từ 2,4 tỷ USD đến 3,8 tỷ USD để phục vụ cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, con số sẽ tăng lên gấp đôi trong trường hợp Mỹ tăng cường các cuộc không kích, khoảng từ 4,2 tỷ USD đến 6,8 tỷ USD.
Báo cáo nhận định một trong những lý do khiến khoản chi phí đội lên nhiều là do Mỹ tiến hành hàng loạt các chuyến bay do thám và tình báo nhằm xác định mục tiêu tấn công. Chi phí hoạt động của các máy bay do thám không hề nhỏ, tùy thuộc vào từng loại máy bay.
Cụ thể, những chiếc Predator hay Reaper có thể tiêu tốn 1.000 USD/giờ, trong khi 7.000 USD là khoản chi phí mà Mỹ phải "rút ví" mỗi giờ cho các cuộc do thám do máy bay không người lái Global Hawk thực hiện. Đặc biệt, E-8 J-STAR, chiến cơ được trang bị hệ thống rađa xác định mục tiêu và do thám, được hưởng khoản "thù lao" lớn nhất- 22.000 USD- cho mỗi giờ hoạt động.
Mọi chi phí cho các cuộc không kích nói trên bắt nguồn từ quỹ Các chiến dịch bất ngờ ở nước ngoài (OCO) của Lầu Năm Góc. Ngân sách hoạt động của OCO độc lập với ngân sách quốc phòng và do Quốc hội Mỹ phân bổ.
Trong tài khóa 2015, ngân sách của OCO có thể bị cắt giảm xuống còn 54 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức của năm ngoái là 85 tỷ USD./.