Sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định mức điểm sàn đại học cho tất cả các tổ hợp môn thi là 15 điểm, kể cả khối D, dù điểm môn Ngoại ngữ rất thấp.
Không lo thiếu nguồn tuyển
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, hội đồng xác định điểm sàn gồm 27 thành viên đến từ các trường.
Bộ đưa ra ba phương án ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào là 15,5 điểm; 15 điểm và 14,5 điểm.
Phương án khác là khối D là 14 điểm, các khối khác là 15 điểm.
Tất cả các thành viên đều thống nhất chọn 15 điểm cho tất cả các khối thi.
“Mặc dù Bộ có băn khoăn ở khối D, môn Ngoại ngữ điểm hơi thấp, nhưng mục tiêu là nâng cao chất lượng nên cuối cùng các thành viên chọn phương án là 15 điểm cho tất cả các khối thi,” ông Ga nói.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc xác định điểm sàn phải dựa trên chất lượng của thí sinh, dựa trên điểm những năm gần đây và trung bình mỗi môn thi phải 5 điểm. Do đó điểm sàn phải quanh ngưỡng 15 điểm.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng tính toán để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Theo dữ liệu tuyển sinh, năm nay, sẽ có khoảng 320.000 chỉ tiêu của các trường được tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia và hơn 100.000 chỉ tiêu tuyển dựa trên điểm học bạ cấp ba.
Ông Ga cho rằng với ngưỡng điểm này rất thuận lợi cho các trường xét tuyển. Ở khối A, phổ điểm năm nay đẹp nên có nguồn tuyển cho các trường.
"Với môn Ngoại ngữ, trước đây tiếng Anh là môn tự chọn chuyển sang thành môn bắt buộc nên thí sinh thi cần thời gian để nâng cao chất lượng. Do đó, phổ điểm chung thấp. Những em điểm cao là những em dự thi khối D. Vì vậy, các trường tuyển khối D không lo nguồn tuyển,” ông Ga nhận định.
Vượt chỉ tiêu, sẽ xử lý chủ tịch hội đồng tuyển sinh
Riêng với các trường vùng khó khăn, Thứ trưởng Ga cho biết Bộ sẽ cân nhắc thêm để các trường tuyển đủ chỉ tiêu.
“Năm 2015, theo đề nghị của Ban chỉ đạo '3 Tây' nên Bộ cho phép các trường tuyển thí sinh tại địa phương được giảm 1 điểm. Năm nay nếu ban chỉ đạo '3 Tây' vẫn đề nghị, Bộ sẽ xem xét,” Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Thứ trưởng Ga cũng cho rằng việc tuyển đủ hay không đủ chỉ tiêu không phải là vấn đề quan trọng, do chỉ tiêu do các trường tự xác định dựa trên năng lực đào tạo tối đa của mình.
Bộ cũng tạo cơ chế cho các trường tuyển sinh như bỏ yêu cầu về điểm xét tuyển đợt sau phải bằng hay cao hơn đợt trước. Thí sinh sau khi trúng tuyển phải nộp giấy báo điểm cho trường để xác định việc có theo học tại trường hay không, giúp trường chủ động về nguồn tuyển.
“Đây là những giải pháp để đảm bảo các trường tuyển sinh đúng và thực hiện nghiêm túc theo chỉ tiêu. Trường nào vượt sẽ xử lý theo Thông tư 32, không phải xử lý trường mà xử lý chủ tịch hội đồng tuyển sinh,” ông Ga nói./.