Ngày 16/3, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Philippines, Thượng nghị sỹ Juan Miguel Zubiri cho biết ông đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên mạng xã hội Facebook, Thượng nghị sỹ Zubiri cho biết ông đang tiến hành tự cách ly.
Thượng nghị sỹ Zubiri nằm trong số các nghị sỹ và thành viên Nội các Philippines quyết định tự cách ly hồi tuần trước do nghi ngờ có tiếp xúc với một người mắc bệnh COVID-19, người này đã từng được mời tới tham gia phiên điều trần tại Thượng viện.
[COVID-19 xuất hiện và lây lan ở khoảng 160 quốc gia và vùng lãnh thổ]
Như vậy, cho đến nay, Philippines ghi nhận 141 ca mắc COVID-19, với 12 người tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á ngày 16/3 tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo đi lại tới 36 quốc gia châu Âu do mối lo ngại ngày càng tăng về dịch COVID-19 tại khu vực này.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo "màu vàng" - mức cao thứ 3 trong hệ thống cảnh báo 4 cấp - kêu gọi người dân hạn chế đi đến các quốc gia ở Tây và Trung Âu.
Trước đó, Hàn Quốc đã ban bố cảnh báo tương tự đối với 5 khu vực ở Italy, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Bộ trên cho biết sẽ tiếp tục xem xét liệu có nên thay đổi mức độ cảnh báo đi lại hay không tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trong khu vực.
Tại Indonesia, chính quyền tỉnh Đông Nusa Tenggara đã quyết định đóng cửa biên giới với Timor Leste trong hai tháng.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Thống đốc Đông Nusa Tenggara, ông Viktor Bungtilu Laiskodat cho biết quyết định này nhằm bảo vệ người dân trước cuộc tấn công của dịch COVID-19.
Theo ông Viktor, tất cả những người nước ngoài đến Đông Nusa Tenggara qua ngả Timor Leste đều bị cấm nhập cảnh và chỉ các phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm cũng như nhiên liệu được phép đi qua biên giới.
Chiều cùng ngày, Indonesia đã phát hiện thêm 17 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 134 người, trong đó có 5 ca tử vong.
Trong một động thái tương tự, Chính quyền tỉnh Buri Ram của Thái Lan đã ban bố quyết định phong tỏa tất cả các cửa ngõ vào tỉnh để tránh các nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ngay cả khi chưa ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm bệnh nào tại tỉnh này.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, việc phong tỏa được đưa ra dựa trên quyền của tỉnh trưởng tỉnh Buri Ram và có hiệu lực ngay lập tức.
Tất cả những người ra vào tỉnh Buri Ram, cách Bangkok khoảng 400km về phía Đông Bắc, kể cả người địa phương hay người bên ngoài đều bị yêu cầu kiểm tra y tế nghiêm ngặt và tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Việc cách ly sẽ được chính quyền và tình nguyện viên kiểm tra thường xuyên. Những người có biểu hiện bất thường về sức khoẻ sẽ ngay lập tức được đưa tới bệnh viện.
Ngoài ra, một lệnh cấm tụ tập quy mô trên 50 người cũng sẽ được áp dụng bao gồm cả các cuộc họp, sự kiện giải trí hay nghi lễ tôn giáo.
Lệnh này được duy trì trong vòng 30 ngày. Tất cả những người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đây là địa phương đầu tiên của Thái Lan áp dụng biện pháp cứng rắn để ngăn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 dù chưa có bất kỳ một lệnh nào từ chính phủ.
Còn tại Myanmar, toàn bộ các rạp chiếu phim trên cả nước bắt đầu phải đóng cửa từ ngày 16/3 do lo ngại dịch COVID-19.
Theo thông báo của Bộ Thông tin Myanmar, Chính phủ đưa ra quyết định trên nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi virus SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh tại các cuộc tụ tập đông người.
Trước đó, ngày 13/3, Văn phòng Tổng thống Myanmar ra thông báo cho biết Chính phủ cũng đã hạn chế các cuộc tụ tập đông người, các sự kiện như lễ hội té nước truyền thống Thingyan cho đến cuối tháng Tư tới./.