Ngày 5/1, Thái Lan ghi nhận thêm 527 ca mắc mới COVID-19, hầu hết là những người di cư từ Myanmar sinh sống tại tỉnh Samut Sakhon ở miền Trung.
Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), trong số các ca mới phát hiện có 521 ca lây nhiễm trong nước, với 439 ca là người di cư từ Myanmar và người Thái Lan ở tỉnh Samut Sakhon, tỉnh đầu tiên phát hiện dịch bệnh trên cả nước.
Tính tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.966 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.900 ca lây nhiễm trong nước và 2.066 ca trong các khu cách ly.
Theo CCSA, 4.397 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Thái Lan đã hồi phục và xuất viện trong khi 4.504 bệnh nhân vẫn đang điều trị. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan hiện là 65 ca.
Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ảnh hưởng tới 56 tỉnh, trong đó 28 tỉnh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, với năm tỉnh trong nhóm này buộc phải triển khai các biện pháp ngăn chặn bổ sung.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo thêm 937 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 479.693 trường hợp. Như vậy, đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Philippines dưới mức 1.000.
Tuy nhiên, DOH cho rằng số ca mắc mới giảm chủ yếu vì công tác xét nghiệm chậm lại trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và không loại trừ khả năng số ca mắc mới tăng trở lại trong những tuần tới.
Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines hiện là 9.321, tăng 58 ca trong một ngày qua. Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở quốc gia này là 448.375 ca. Philippines đang phân tích chuỗi gene virus trong cơ thể của 74 ca bệnh trở về từ Anh và từ 20 quốc gia và khu vực khác trong danh sách hạn chế di chuyển của quốc gia này để kiểm tra xem liệu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn có trong những ca bệnh này hay không.
Philippines đã xét nghiệm cho hơn 6,4 triệu người trên tổng số 110 triệu dân cả nước kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Để tránh biến thể mới của virus SARS-CoV-2, từ cuối tháng 12/2020, Philippines đã hạn chế nhập cảnh với những người nước ngoài từng đến Anh (nơi phát hiện biến thể mới) trong thời gian gần và 20 quốc gia và khu vực khác.
[Dịch COVID-19: Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng 2]
Các tỉnh giáp biên giới của Campuchia với Thái Lan đang lên kế hoạch xin Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia can thiệp để hoãn mở cửa lại các trường học vào ngày 11/1 tới theo đúng chương trình, vì một số trường học ở đây đã được chuyển thành cơ sở cách ly dành cho lao động trở về từ Thái Lan.
Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Battambang, Soeum Bunrith ngày 5/1 cho biết từ ngày 28/12/2020 đến ngày 4/1/2021 đã có khoảng 1.815 người trở về từ Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế thuộc tỉnh này. Họ đang được cách ly ở một số điểm trường.
Theo ông Bunrith, những trường học không được trưng dụng làm điểm cách ly có thể bắt đầu năm học mới như bình thường, nhưng đối với những điểm trường đang được sử dụng làm nơi cách ly, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao cho lùi thời gian đón học sinh trở lại.
Chính quyền tỉnh Battambang không còn sự lựa chọn nào khác vì các khách sạn và nhà khách ở biên giới không đáp ứng đủ nhu cầu cách ly. Tỉnh đang sử dụng tám trường học và một trung tâm y tế ở gần biên giới làm nơi cách ly những người từ Thái Lan về nước.
Trước đó, Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Banteay Meanchey, Ly Sary, cho hay người từ Thái Lan đổ về tỉnh Banteay Meanchey mỗi ngày và tỉnh đang cách ly hơn 1.000 người tại 12 trường học và trung tâm y tế. Ông Sary lo ngại khó bắt đầu năm học mới vào ngày 11/1 tới vì tỉnh vẫn phải sử dụng các trường học làm nơi cách ly.
Về vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia Ros Soveacha cho hay kế hoạch mở cửa lại các trường học và tiếp tục năm học 2020-2021 vào ngày 11/1/2021 sẽ được thực hiện phù hợp với các yêu cầu an toàn phòng dịch. Nếu có bất kỳ thay đổi nào, Bộ sẽ có thông báo chính thức vào thời điểm phù hợp.
Báo chí Campuchia ghi nhận trong hơn hai tuần qua đã có tổng cộng 6.465 lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước và mới chỉ có 129 lao động được phép về nhà sau khi thực hiện cách ly 14 ngày tại các trung tâm cách ly các tỉnh giáp biên giới Thái Lan.
Ngày 5/1, Bộ Y tế Campuchia không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Tuy nhiên, trong tổng số lao động Campuchia từ Thái Lan về đã có 17 người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 5/1, Campuchia xác nhận tổng cộng 382 ca mắc COVID-19 tại nước này, trong đó 362 người đã hồi phục và không có ai tử vong.
Nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Italy đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế chống dịch trên toàn quốc trong những ngày cuối tuần, nhưng nhất trí nới lỏng các biện pháp này vào các ngày thường trong tuần.
Tại cuộc họp Nội các vào đêm 4/1, các bộ trưởng đã nhất trí cho phép áp đặt các biện pháp khác nhau tại những khu vực khác nhau phụ thuộc vào số ca lây nhiễm.
Trước đó, Italy đã áp đặt các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc trong suốt dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, theo đó mọi người dân phải ở nhà và chỉ được phép ra đường khi có lý do chính đáng như đi làm việc, khám chữa bệnh hoặc các trường hợp khẩn cấp. Việc đi thăm người thân, bạn bè cũng chỉ giới hạn số người nhất định.
Những biện pháp phong tỏa này sẽ hết hạn vào ngày 7/1, tuy nhiên tất cả các quán bar và nhà hàng trên khắp cả nước vẫn phải đóng cửa trong cuối tuần này. Việc đi lại giữa các thành phố, thị trấn vẫn bị hạn chế.
Cùng với quyết định trên, Chính phủ Italy cũng thông báo hoãn kế hoạch cho phép các trường trung học phổ thông hoạt động trở lại với 50% công suất từ ngày 7/1 tới ngày 11/1. Một số vùng khác, trong đó có vùng Veneto, bao quanh Venice, ở miền Bắc đã quyết định hoãn mở cửa trường học đến hết ngày 31/1.
Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 theo ngày đã giảm từ mức đỉnh điểm ghi nhận giữa tháng 11 năm ngoái là khoảng 40.000 ca/ngày xuống dưới 20.000 ca/ngày, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn giao động và số ca tử vong hằng ngày vẫn cao./.