Một tàu cá Hàn Quốc nghi bị hải tặc bắt cóc ở ngoài khơi Somalia

Một tàu đánh cá của Hàn Quốc có thể đã bị cướp biển tấn công tại vùng biển ngoài khơi Somalia, thủy thủ đoàn gồm cả người Hàn Quốc và người nước ngoài.
Một tàu cá Hàn Quốc nghi bị hải tặc bắt cóc ở ngoài khơi Somalia ảnh 1Lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển của Pháp tuần tra tại khu vực ngoài khơi thành phố Bosasso thuộc vùng bán tự trị Puntland, Somalia ngày 26/3/2014. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Một tàu đánh cá của Hàn Quốc có thể đã bị cướp biển tấn công tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Thủy thủ đoàn gồm cả người Hàn Quốc và người nước ngoài.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc ngày 27/5 cho biết tàu cá này đã gửi tin nhắn, thông báo có nhiều tàu lạ bao vây. Sau thông báo này, các lực lượng chức năng hoàn toàn mất liên lạc với tàu cá và chưa có thêm thông tin gì.

Hiện một đơn vị chống cướp biển của Hải quân Hàn Quốc đã được điều động khẩn cấp tới vị trí cuối cùng của tàu cá.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 27/5 cho biết giới chức nước này đang đề nghị các đối tác của Mỹ, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác trong việc tìm kiếm và cứu hộ chiếc tàu​ cá​.

Quan chức trên cho biết các nước Ấn Độ, Đức và Nhật Bản đã cho máy bay thám sát biển tới địa điểm chiếc tàu câu mực của Hàn Quốc bị mất liên lạc, cách Salalah của Oman khoảng 1.400 km về phía Đông Nam, trong khi phía Hàn Quốc đã phái đơn vị Cheonghae thuộc hải quân tới hiện trường.

Trên chiếc tàu 234 tấn treo cờ Mông Cổ này có 3 người Hàn Quốc và 18 người Indonesia.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ thị cho chính phủ nỗ lực hết sức, tập trung ưu tiên vào việc cứu các thủy thủ của chiếc tàu nghi bị cướp biển tấn công này.

[Tái diễn nạn cướp biển ngoài khơi Somalia sau nhiều năm]

Trước đó, ngày 23/5, cướp biển Somalia đã bắt giữ một tàu cá của Iran với thủy thủ đoàn lên tới 20 người. Tàu cá này đã bị áp tải về một cảng ở phía Bắc Somalia.

Trong những tháng gần đây, cướp biển Somalia đã gia tăng hoạt động tại vùng biển, gây ra ít nhất 8 vụ tấn công các tàu cá, trong đó có 3 vụ thành công.

Các vụ việc này cho thấy cướp biển Somalia đang hoạt động trở lại sau 3 năm tạm lắng. Các chuyên gia an ninh hàng hải cảnh báo nguy cơ bị cướp biển Somalia tấn công là rất cao nếu một tàu thuyền không có nhóm an ninh vũ trang đi kèm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Tuần trước, lực lượng Hải quân Ấn Độ đã ngăn chặn thành công một vụ cướp khi ít nhất 3 tàu cao tốc tấn công một tàu chở hàng ở bờ biển Đông Bắc Somalia.

Theo các nhà quan sát khu vực, cướp biển Somalia đã bắt đầu các cuộc tấn công vào năm 2005, làm gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tuyến đường vận chuyển quốc tế lớn này, đồng thời gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

Đặc biệt, đỉnh điểm của nạn cướp biển Somalia là 736 thủy thủ đã bị bắt giữ làm con tin và 32 tàu thuyền đã bị tấn công vào tháng 1/2011. Sau đó lực lượng hải quân Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực rộng lớn ngoài khơi Somalia, khiến nạn cướp biển tại đây giảm mạnh.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm lắng dịu, thời gian gần đây các nhóm cướp biển Somalia lại tái bùng phát với những hành động tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.