Mưa đá và dông lốc đã làm 1 người mất tích, 3 người bị thương

Tính đến 19 giờ ngày 18/2, mưa đá và dông lốc ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã làm 1 người mất tích, 3 người bị thương, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 26 tỷ đồng.
Mưa đá tại trung tâm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên ngày 17/2. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Theo tin từ Văn phòng Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 19 giờ ngày 18/2, mưa đá và dông lốc đã làm 1 người mất tích, 3 người bị thương, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 26 tỷ đồng.

Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên dông lốc đã làm 571 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó thành phố Thái Nguyên 502 nhà, thị xã Phổ Yên 66 nhà và huyện Định Hóa 3 nhà. Bên cạnh đó, 2 cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng, làm chết 500 con gà; 2 khu sản xuất rau an toàn tại thành phố Thái Nguyên và huyện Định Hóa bị tốc nhà lưới, hư hỏng hệ thống khung nhà.

Dông lốc cũng làm đổ 50m kênh cấp 2 Núi Cốc thuộc xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên; 5 điểm trường bị tốc mái và hư hỏng các công trình phụ trợ. Bệnh viện Gang thép bị tốc khoảng 500m2 mái tôn, 3 ôtô, cùng nhiều xe máy bị hỏng do bị mái tôn của bệnh viện rơi vào.

Hệ thống điện lưới cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, cháy 1 trạm biến áp, 1 hệ thống cắt điện, 1 cầu dao và một số cột điện bị gẫy đổ, khiến một số khu vực mất điện trong nhiều giờ. Hàng chục cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ, nhiều cây lớn có độ tuổi gần 50 năm.

Tại tỉnh Lào Cai, 538 ngôi nhà bị ảnh hưởng do mưa đá, dông lốc, trong đó 20 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 140 nhà bị thiệt hại từ mức độ nhẹ đến nặng, 312 nhà bị tốc mái và 66 nhà bị hư hỏng công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nhà bếp, chuồng trại... Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, tổng diện tích bị ảnh hưởng và thiệt hại lên tới 17,1 ha; hơn 1.000 con gia cầm bị thiệt hại. Bên cạnh đó, 5 trường học và 6 công trình cơ sở hạ tầng khác bị ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục khoảng 24-26 độ vĩ Bắc, trong 2 ngày 16-17/2 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa lớn, mưa đá kèm theo lốc xoáy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

[Lý giải nguyên nhân xảy ra dông lốc, mưa đá ở Bắc Bộ mấy ngày qua]

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lớn, mưa đá kèm lốc xoáy đã khiến 1 người mất tích là Lò Văn Dương (tại khu vực lòng hồ Sông Đà, thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa); 255 nhà dân bị thiệt hại, trong đó 1 nhà bị nghiêng cần di dời ở huyện Tuần Giáo, 16 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 238 nhà bị tốc mái. Mưa lớn, lốc xoáy cũng khiến 14 điểm trường bị tốc mái; 1 thuyền bị chìm tại lòng hồ Sông Đà ở Tủa Chùa; 1 nhà thi đấu đa năng bị sập, một số tường bao và cổng nhà bị gãy đổ.

Trên địa bàn huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) có 312 nhà dân ở các xã Cao Trĩ, Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, Quảng Khê, Địa Linh… bị tốc mái, hư hỏng. Phân trường Bản Duống (Coọc Mu, xã Hoàng Trĩ) bị tốc mái. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Pác Nặm, toàn huyện có 13 nhà dân bị tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Bộc Bố. Ngoài thiệt hại về tài sản, huyện Ba Bể có 3 người bị thương do mưa lốc.

Cụ thể, tại thôn Nà Lìn, xã Địa Linh, mưa và gió lốc làm vỡ mái phibrô ximăng, rơi vào trong nhà khiến bà Triệu Thị Nha và cháu Lâm Thị Phương Thảo bị thương. Hai bà cháu đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tại thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ, bà Nguyễn Thị Nông bị thương do mái nhà sập và đã được lực lượng tại chỗ kịp thời cứu giúp.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến 11 giờ ngày 18/2, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 276 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó 5 nhà bị sập đổ hoàn toàn tại hai huyện Yên Bình, Lục Yên; 271 ngôi nhà bị tốc mái ở các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình. Thiên tai còn làm 1 nhà văn hóa bị sập đổ; 4 nhà văn hóa, nhà tập thể, nhà máy và một ngôi nhà của một trường học ở huyện Yên Bình bị tốc mái. Mưa đá và lốc xoáy làm hơn 5 ha hoa màu, cây lâm nghiệp bị đổ gãy và thiệt hại 58 lồng cá tại huyện Yên Bình.

Tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, mưa kèm dông lốc xảy ra trên diện rộng đã làm tốc mái 105 nhà dân và 8 điểm trường, trong đó có 2 điểm trường ở xã Thượng Nông bị tốc mái hoàn toàn. Lốc xoáy cũng làm cho nhiều cây xanh bị bật gốc, đổ ngã, nhiều diện tích cây lâm nghiệp, hoa màu bị thiệt hại, nhiều tàu thuyền, lồng bè nuôi cá của người dân bị ảnh hưởng. Toàn bộ huyện Na Hang mất điện kéo dài đến 10 giờ ngày 18/2.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa dông đã gây thiệt hại tại thành phố Tuyên Quang và các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng mưa kèm dông lốc đã làm hơn 300 nhà dân bị hư hỏng, 3 trường học bị ảnh hưởng, nhiều cột điện bị gãy, nhiều cây xanh bật gốc, gãy cành. Mưa dông cũng làm hư hại khoảng 0,6ha cam, làm rụng khoảng 12 tấn cam...

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, chiều tối 17/2 và rạng sáng 18/2, mưa dông mạnh đã xuất hiện tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn, gây thiệt hại nặng về tài sản tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Bắc Mê. Tổng thiệt hại do mưa dông trên địa bàn tỉnh ước tính gần 6 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra dông lốc, mưa đá, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh và chính quyền các huyện, xã đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương cử lực lượng đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục