Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại tỉnh Quảng Nam, thêm vào đó là các thủy điện liên tục xả tràn, làm cho hàng ngàn ngôi nhà của người dân vùng hạ du ngập trong nước lũ.
Tại huyện Nông Sơn, tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã bị chia cắt. Cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu khe Sé, cầu Nà Manh ngập từ 1,0-1,5m. Đoạn đường ĐT 611 từ Quế Trung đi Quế Lộc ngập trên 1m, giao thông bị chia cắt. Hiện nay nước xuống chậm.
Tuyến đường ĐT 611 đoạn qua đèo Le sạt lở 15m bêtông, đoạn cầu treo đi thôn Thạch Bích sạt lở khoảng 50m với khối lượng đất khoảng 4.000m.
Về thủy lợi, kênh chính đập Nà Bò bị sạt lở 80m bêtông, bồi lấp nhiều tuyến kênh với khối lượng trên 200m3 đất. Diện tích lúa nước trời bị ngập 31ha. Diện tích hoa màu bị ngập 5ha…
Tại thành phố Hội An, từ đêm 14/12 nước lũ đã nhấn chìm các tuyến đường chính như Nguyễn Thái Học, Trần Phú…, có những đoạn đường nước ngập lên đến 1m nước.
Lãnh đạo thành phố Hội An đã chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở cũng như hệ thống xe lưu động của Trung tâm Văn hóa thể thao thành phố thông tin đến các địa phương để người dân kịp thời phòng tránh mưa lũ theo phương án đã phê duyệt.
Các đội xung kích sẵn sàng để ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Lãnh đạo Hội An cũng đã thông báo cấm các phương tiện qua lại các vùng trũng, nước chảy xiết; nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, sử dụng ghe thuyền chở khách đi trong lũ.
Không những chia cắt địa bàn các huyện, thị xã, trong sáng 15/12, mưa lũ lớn đã chia cắt các tuyến đường liên huyện. Con đường nối thị xã Điện Bàn đi thành phố Hội An cũng như đường nối Điện Bàn và huyện Đại Lộc đã bị nước lũ chia cắt; đường nối từ huyện Quế Sơn đi Nông Sơn bị lũ tràn qua ở nhiều đoạn khiến huyện Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện Đại Lộc, mặc dù nước lũ có rút, song đầu giờ chiều 15/12 vẫn còn hàng trăm ngôi nhà ở các vùng trũng thấp, ven sông ngập sâu….
Hiện chưa thể thống kê được mức độ thiệt hại nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vẫn đang tích cực triển khai các phương án chủ động phòng chống mưa lũ, trong đó chủ yếu là theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bám địa bàn để chủ động chỉ đạo ứng phó với mưa lũ; kiên quyết ngăn không cho người dân lưu thông qua những đoạn đường ngập nước, nguy cơ cao xảy ra tai nạn; chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức san lấp mặt bằng để thông xe trên những tuyến đường bị sạt lở; tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, lũ trên các sông ở Quảng Nam còn diễn biến phức tạp, có khả năng lên lại, mực nước ở các sông còn biến đổi. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông là rất cao.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao, từ ngày 13-15/12, Thừa Thiên-Huế đã có mưa vừa đến mưa to và dông, lượng mưa phổ biến từ 200-410mm, một số nơi mưa to như trạm A Lưới là 416mm, trạm Tà Lương 431mm, trạm Truồi 474mm; xuất hiện một đợt lũ trên báo động II, III ở lưu vực sông Hương và sông Bồ.
Mực nước tại các trạm trên các triền sông lúc 13 giờ ngày 15/12: trên sông Hương, tại trạm Kim Long: +2,29m, trên báo động II là 0,29m; trên sông Bồ, tại Trạm Phú Ốc: +3,86 m, trên báo động II là 0,36m.
Mưa to khiến các hồ thủy điện đạt và vượt ngưỡng tràn, tiếp tục xả lũ về hạ du trong ngày 15/12: hồ Tả Trạch: +43,92m, lưu lượng xả về hạ du 1.040m3/s; hồ thủy điện Bình Điền: +84,87m (mực nước dâng bình thường +85m), lưu lượng đến hồ 472 m3/s, lưu lượng về hạ du 472 m3/s; hồ thủy điện Hương Điền: +58,0m (mực nước dâng bình thường +58m), lưu lượng đến hồ 967m3/s, lưu lượng về hạ du 967m3/s. Hồ thủy điện A Lưới: + 552,752m (mực nước dâng bình thường +553m), lưu lượng đến hồ 305 m3/, lưu lượng phát qua tổ máy 42,8 m3/s; lưu lượng qua tràn 268m3/s; hồ thủy điện Thượng Lộ: +88,9m (cao trình ngưỡng tràn +88m); hồ thủy điện A Roàng: +468,7m (cao trình ngưỡng tràn +468,5m).
Mưa lớn đã làm một người chết là ông Phạm Minh Trí ( 40 tuổi, trú tại thôn 4 xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà), đang trên đường đi chăn bò qua khu vực suối Khe Trái thôn 3 đã bị nước cuốn trôi. Toàn tỉnh đã có 1.420 nhà bị ngập; nặng nhất là huyện Phú Lộc (600 nhà) và Quảng Điền (420 nhà).
Đặc biệt, 20 hộ dân sinh sống tại sông Chợ Nọ (nhánh sông Hương) thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang bị sạt lở bờ sông uy hiếp phải di dời về nơi an toàn. Khoảng 115 ha hoa màu các loại bị ngập hoàn toàn, ước thiệt hại 100% ở các xã, phường Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn, Hương Hồ thuộc thị xã Hương Trà.
Nhiều đoạn đường, quốc lộ và tỉnh lộ qua địa bàn các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà tỉnh bị ngập cục bộ từ 0,3- 0,5m... Giao thông trên quốc lộ 1A bị ách tắc giao thông trong thời gian ngắn. Một số tuyến đường trên thành phố Huế bị ngập bình quân 0,2-0,5m.
Hiện nay, nước xuống chậm nhưng vẫn còn ở mức cao, một số tuyến đường, đặc biệt khu vực thấp trũng Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà… đang ngập cục bộ, gây khó khăn trong việc đi lại.
Dự báo từ 15-17/12, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa toàn đợt dự báo từ 100-250mm; ngoài khơi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Tình hình mưa to kèm theo ngập úng còn có thể kéo dài đến cuối tháng 12/2016.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công điện, thông báo về diễn biến mưa lũ, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu cho các cơ quan, đơn vị và các địa phương; ban hành lệnh vận hành điều tiết các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện.
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh kịp thời tổ chức lực lượng điều phối giao thông tại khu vực bị ngập trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn quan địa bàn tỉnh; cảnh sát giao thông đường thủy triển khai lực lượng hướng dẫn neo đậu tàu thuyền trên sông Hương, sông Bồ và các tuyến sông trọng điểm.
Công an địa phương triển khai lực lượng thường trực hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt như: tràm Thủ Lễ, Đập Đá... để đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà cho học sinh nghỉ học từ chiều 13/12 và ngày 14-15/12.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng túc trực và cảnh báo tại khu vực bị ngập lụt, thông báo quản lý các phương tiện tàu thuyền trên sông, đầm phá.
Điện lực tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai phương án đảm bảo an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh.
Đài Khí tượng Thủy văn và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện nghiêm túc công tác cảnh báo, dự báo lũ, cập nhật tình hình mưa, mực nước theo từng giờ thông báo cho các địa phương, đơn vị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành./.