Mùa mưa lũ năm nay đang đẩy hàng triệu người dân tại khu vực Nam Á như Bangladesh, Ấn Độ và Nepal, rơi vào tình trạng mất nhà cửa và kế sinh nhai, trong khi họ đang phải đối mặt với nguy cơ cao bùng phát thêm nhiều dịch bệnh gây chết người trong bối cảnh các nguồn lực y tế đang "gồng mình" ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và Hội Lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) ngày 6/8 dẫn số liệu báo cáo từ các nước trên cho biết mưa lũ từ đầu mùa đến nay đã ảnh hưởng tới gần 17,5 triệu người và đã có hơn 630 người thiệt mạng ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal.
IFRC cho biết hiện một nửa các quận huyện ở Bangladesh vẫn bị ngập nước, khiến 1 triệu gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, không có điện sinh hoạt.
Trong khi đó, lũ lụt và lở đất tại Nepal đã khiến gần 200 người chết và mất tích. Tại Ấn Độ, mưa lũ tại hai bang Assam và Bihar đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 12 triệu người.
[Mưa lớn hoành hành gây nhiều thiệt hại tại Ấn Độ và Trung Quốc]
Feroz Salah Uddin, Tổng Thư ký Hội Chữ thập Đỏ Bangladesh đánh giá đây là mùa mưa lũ lớn nhất mà nước này đối mặt trong nhiều năm qua và điều tồi tệ hơn cả là nguy cơ rình rập của một loạt các dịch bệnh khác như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy hay dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn.
Theo đánh giá của IFRC, mùa mưa là thời điểm lượng lớn người dân Nam Á dễ bị tổn thương của các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh trùng xoắn móc câu và dịch tả.
Trong năm 2019, Bangladesh hứng chịu dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng với hơn 101.000 ca mắc và 180 ca tử vong.
Trong khi đó, Ấn Độ thông báo có 136.000 ca mắc bệnh này và nhiều ca phải nhập viện điều trị.
Giới chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến các dịch bệnh trên bùng phát tại Nam Á bởi đây là khu vực có địa hình trũng - môi trường thuận lợi phát triển muỗi gây bệnh sốt xuất huyết và sốt rét, trong khi môi trường sinh hoạt của hàng triệu người dân không được đảm bảo khi họ sống tại những bãi đất trống, hoặc lều bạt tạm bợ, thiếu nguồn thực phẩm, nước an toàn.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn lây lan tại các nước này, khiến mọi nguồn lực y tế đều được huy động ứng phó với dịch bệnh này.
IFRC cho biết mỗi ngày, Ấn Độ phải xử lý hơn 50.000 ca nhiễm mới, trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Bangladesh và Nepal lần lượt ở con số 240.000 ca và 20.700 ca.
Theo UFRC, Nam Á hiện có hơn 2,2 triệu ca mắc COVID-19, song nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể cao hơn khi nhiều người e ngại việc tới khám tại các cơ sở y tế có thể khiến họ nhiễm virus SARS-CoV-2, do đó tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn./.