Mưa lũ và giông lốc làm 2 người chết, nhiều hoa màu bị ngập

Mưa lũ và giông lốc làm 2 người chết, nhiều diện tích hoa màu bị ngập

Từ ngày 23/5 đến nay, mưa to lũ lớn kèm theo giông lốc đã làm hai người thiệt mạng, nhiều ngôi nhà bị sập, hư hại, nhiều diện tích hoa màu bị ngập.
Nước ngập sâu, người nông dân phải dùng vải bạt dứa làm thuyền để chở lúa gặt về. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ ngày 23/5 đến nay, mưa to lũ lớn kèm theo giông lốc đã làm thiệt hại lớn về người và tài sản tại các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã huy động lực lượng triển khai các biện pháp ứng phó, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; thống kê đánh giá thiệt hại.

Tại tỉnh Sơn La, đêm 23 rạng sáng 24/5, mưa lớn tại một số huyện, thành phố trong tỉnh làm 2 nhà bị sập; 44 nhà bị ngập, hư hại; 184,4ha lúa và hoa màu bị ngập; 3ha cà phê bị thiệt hại; 32,4 ha ao cá bị ngập; 2 điểm trường bị ảnh hưởng; 400m đê bao bị sạt lở; 3.020m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, xói mòn.

Tại tỉnh Thái Bình, lốc xoáy xảy ra lúc 5 giờ ngày 25/5 tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, đã làm tốc mái 5 nhà, làm đổ 145 cây và cây cảnh các loại.

Lốc xoáy và mưa xảy ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang từ ngày 23-25/5 đã làm 9 ngôi nhà bị sập, 10 ngôi nhà bị tốc mái, 465 ha lúa bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.

Tính đến ngày 27/5, mưa lũ xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên làm 2 người chết (chị Trần Thị Thoan, sinh năm 1990 thường trú xóm Vạn Thành 1, xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên bị lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm, đã tìm thấy thi thể; bà Nguyễn Thị Lương, sinh năm 1969 thường trú xóm Sòng, An Khánh, Đại Từ, Thái Nguyên, bị sét đánh khi đang làm đồng).

Hàng trăm ngôi nhà đã bị ngập nước, nhiều ngôi nhà đã bị lấp do sạt lở hoặc tốc mái; hơn 9.000 ha lúa, hoa màu, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản, nhiều tuyến đường liên huyện, liên thôn, kênh mương đã bị ngập, hư hỏng...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng triển khai các biện pháp bơm tiêu úng (trong đó thành phố Hà Nội đã vận hành 61 trạm bơm tiêu với tổng lưu lượng khoảng 1.000 m3/giờ).

Lực lượng chức năng đã giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống; đồng thời tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.

Về hạn hán, xâm nhập mặn, theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập, hiện nay khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện đã giảm đáng kể do có mưa, các địa phương đã và đang tiếp tục tăng cường công tác lấy nước, trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Đến nay, diện tích xuống giống vụ Hè Thu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 959.663/1.638.328 ha (gần 60% kế hoạch). Một số khu vực đồng bằng ven biển bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, các địa phương đang cho xả mặn, dự kiến cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu sẽ triển khai xuống giống đại trà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục