“Mùa nắng phai”: Những vẻ đẹp xưa cũ qua góc nhìn của Dzung Art

Nguyễn Quốc Dũng vốn là người học vẽ, từng có thời gian dài cầm cọ trước khi rẽ ngang sang cầm máy. Bởi thế, những tác phẩm của anh có sự kết hợp nhuần nhị giữa hội họa và nhiếp ảnh.
Cuốn sách gồm 130 bức ảnh tâm đắc nhất trong 20 năm cầm máy của nghệ sỹ Nguyễn Quốc Dũng. (Ảnh: Dzung Art )

Có thể nói, 130 tác phẩm trong tập sách ảnh “Mùa nắng phai” của họa sỹ-nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng (Dzung Art) là 130 câu chuyện thi vị về hình tượng người phụ nữ Việt trong tà áo dài và áo yếm truyền thống.

Nghệ sỹ bảo, đó là những bức ảnh đẹp nhất trong 20 năm cầm máy của anh. Đôi lúc, công chúng sẽ có cảm giác, xem ảnh của Dzung Art mà như đang ngắm những bức tranh vẽ.

[Cuộc sống các dân tộc Việt Nam qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Pháp]

Nguyễn Quốc Dũng vốn là người học vẽ, từng có thời gian dài cầm cọ trước khi rẽ ngang sang cầm máy. Bởi thế, những tác phẩm của anh có sự kết hợp nhuần nhị giữa hội họa và nhiếp ảnh cũng là điều dễ hiểu. Đó cũng là điểm độc đáo để tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm nhiếp ảnh của Nguyễn Quốc Dũng.

Mỗi loại hình nghệ thuật (như hội họa, nhiếp ảnh…) có ngôn ngữ riêng, đời sống riêng. “Chúng không cần nương tựa, bám víu vào nhau để cùng tồn tại. Thế nhưng, khi những yếu tố ấy hòa quyện được với nhau trong một tác phẩm thì chúng sẽ cùng được sang, cùng tôn vinh lẫn nhau. Điều ấy cũng đòi hỏi người nghệ sỹ phải thực sự có nghề. Ở ‘Mùa nắng phai,’ Dzung Art đã làm được điều đó,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Theo gã họa sỹ nổi tiếng cả về tài và độ “dị” này, chất hội họa trong các tác phẩm nhiếp ảnh của Dzung Art thiên về đồ họa với những mảng phẳng, ít chi tiết, bố cục khúc chiết với vài ba mảng miếng lớn…

Ngay từ nhan đề “Mùa nắng phai,” tập sách ảnh của Dzung Art đã đầy sức gợi. Ở đó, anh đưa công chúng đến với những khung cảnh thi vị: những cô gáo mặc áo dài, yếm cũ, váy đụp trong không gian mang vẻ xưa cũ - nhà cổ Bắc Bộ, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng; hay những cô gái lặng lẽ thả hoa đăng trên sông Hương, khua mái chèo trên sông Hoài...

“Trong sự gấp gáp, hối hả của nhịp sống đương đại, ta ít gặp những tà áo dài, áo yếm. Bởi thế, qua những bức ảnh này, tôi muốn đưa đến cho người xem những phút tĩnh lặng để ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp của trang phục truyền thống và vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt. Tôi tin, đây cũng là cách để góp phần giữ gìn, tôn vinh văn hóa truyền thống,” nghệ sỹ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.

“Mùa nắng phai” thiên về những bảng màu đơn sắc (với những gam màu trầm, ấm), những vẻ đẹp cũ trong không gian yên bình với sự chảy trôi chầm chậm của thời gian. Những nhân vật trong ảnh của Dzung Art cuốn hút mọi ánh nhìn bằng vẻ đẹp dịu dàng, e ấp nhưng cũng tràn đầy sức sống.

“Dzung Art là một gã ‘tham lam’ khi luôn muốn mỗi tác phẩm của mình kết hợp được cả hai yếu tố: ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Anh chú trọng cả nội dung và hình thức chụp. Dường như, anh cố tình triệt tiêu chiều sâu của ảnh truyền thống khi thường đặt máy chính diện, không hất lên hay úp xuống… Với anh, dù là góc máy, bối cảnh nào, ánh sáng ra sao… thì đều phải tôn vinh được vẻ đẹp của những tà áo dài, áo yếm truyền thống,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng bảo, “Mùa nắng phai” là mùa nắng đã qua. Nó không hẳn đã biến mất nhưng rõ ràng, nó đang nhạt dần trong tâm thức mỗi chúng ta. Bởi vậy, những khuôn hình của Dzung Art không tập trung thể hiện những vẻ đẹp hiện đại, tươi mới hay những nét cổ điển, mực thước. Thay vào đó, chúng mang đến cái nhìn hoài cổ, gợi mở những vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn phụ nữ Việt truyền thống.

“Tôi coi 'áo dài,' 'áo yếm' là đề tài xuyên suốt trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Áo dài, áo yếm trong tâm thức của tôi cũng không phải là thứ trang phục người ta vẫn mặc trong những dịp lễ, tết (với những vẻ cách tân, hiện đại) như bây giờ. Với tôi, áo dài, áo yếm đẹp ở sự giản dị, gắn với những sinh hoạt đời thường - một loại trang phục hàng ngày, như cách các bà, các mẹ, các chị vẫn mặc thời trước,” nghệ sỹ Quốc Dũng bộc bạch.

Bởi vậy, Dzung Art chụp áo dài, áo yếm theo “gu” riêng, dung dị, gần gũi. Những nhân vật trong ảnh Dzung Art đi chân đất diện áo dài hoặc ngồi lặng lẽ bên giếng nước, vạt áo kéo cao...

130 bức ảnh trong đó được chia thành ba phần: “Ảnh màu,” “Ảnh đen trắng” và “Ảnh xử lý photoshop.”

Cuốn sách chính thức ra mắt vào tháng 8/2017. Đặc biệt, “Mùa nắng phai” sẽ có mặt tại Triển lãm ảnh “Gió Hội An” của nghệ sỹ Nguyễn Quốc Dũng (diễn ra từ ngày 16-22/8 tại Hội An, Quảng Nam)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục