Viện nghiên cứu biển Deltares của Hà Lan cho biết bão và các chu kỳ thủy triều đã khiến mực nước biển ở dọc bờ biển của Hà Lan năm 2017 ghi nhận mức cao kỷ lục.
Theo chuyên gia Fedor Baart, thuộc tổ chức trên, mực nước biển đã tăng dần từ năm 1890, thêm 0,2cm mỗi năm do băng tan chảy và đại dương đang nóng lên. Điều này có nghĩa là mực nước biển mỗi năm một cao hơn.
Năm 2017, viện trên đo được mực nước trung bình dọc bờ biển của Hà Lan cao hơn 11cm so với mức nước trung bình tại Amsterdam. Mức cao nhất trước đó ghi nhận được là vào năm 2007, khi con số này là 9cm.
Viện trên cho biết trong năm 2017, lần đầu tiên kể từ năm 2007 có nhiều trận bão đã xảy ra chỉ trong một năm. Chính điều này khiến mực nước biển dâng cao. Những trận bão mạnh có thể làm nước biển dâng cao tạm thời 1m, gây ra mức tăng trung bình khoảng 1cm.
[Trái Đất 'vật lộn' với siêu bão, sóng nhiệt và cháy rừng trong 2017]
Mực nước biển luôn được giám sát kỹ ở Hà Lan vì hầu hết diện tích lãnh thổ nước này đều nằm dưới mực nước biển và được bảo vệ tránh khỏi lũ lụt nhờ một loạt biện pháp đề phòng như mạng lưới đê, đụn cát, cối xay gió để thoát nước và các đập nước thông minh.
Theo Viện Deltares, cứ sau 18,6 năm, nước biển dâng lên và hạ xuống khoảng 2cm theo chu kỳ của thủy triều. Đợt thủy triều cao nhất gần đây là vào năm 2004, và mức nước hiện nay đang tăng trở lại và sẽ đạt đỉnh tiếp theo vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, viện trên cũng cho biết bờ biển Hà Lan có thể đối phó với mực nước biển tăng và thực tế là mực nước biển ở đây tăng 20cm sau mỗi thế kỷ.
Hệ thống phòng hộ nước dâng ở Hà Lan đã được kiểm tra kỹ lưỡng và cải thiện sau các trận lụt hủy diệt năm 1953 làm 1.800 người thiệt mạng./.